EU nhất trí giảm tiêu thụ năng lượng và thúc đẩy năng lượng tái tạo
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại cuộc họp hôm 27/6 ở Luxembourg, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia EU đã nhất trí về các mục tiêu ràng buộc nhằm giảm tiêu thụ năng lượng ở liên minh và đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Theo đó, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 40% tổng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030 và mức tiêu thụ cuối cùng sẽ giảm 9%.
Các Bộ trưởng Năng lượng sẽ bỏ phiếu về hai phần của kế hoạch khí hậu được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi tháng 7/2021, nhằm mục đích giảm lượng phát thải khí nhà kính của EU xuống 55% so với năm 1990. Văn bản sẽ vẫn phải được đàm phán với Nghị viện châu Âu trước khi được thông qua.
Đòn bẩy hành động đầu tiên liên quan đến tỷ trọng của năng lượng tái tạo với mục tiêu phải chiếm 40% tổng năng lượng của châu Âu vào năm 2030, so với mức hiện tại là 32%. Mục tiêu 45% do EC đề xuất hồi tháng Năm không được chấp thuận vì "quá ngắn".
Mỗi khu vực kinh tế được giao một mục tiêu phát triển tái tạo. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, mỗi quốc gia phải giảm 13% cường độ phát thải khí nhà kính, hoặc đạt được ít nhất 29% năng lượng tái tạo.
Tòa nhà sẽ phải đạt 49% năng lượng tái tạo trong sưởi ấm và làm mát vào năm 2030. Mặt khác, không có mục tiêu ràng buộc đối với lĩnh vực công nghiệp. Các Bộ trưởng cũng khuyến nghị giảm bớt gánh nặng hành chính cho các dự án năng lượng mặt trời hoặc gió.
Một đòn bẩy hành động khác được nghiên cứu: giảm tiêu thụ năng lượng. Các Bộ trưởng vẫn giữ mục tiêu do EC đề xuất vào tháng 7/ 2021, tức là giảm 9% mức tiêu thụ vào năm 2030 so với năm 2020. Mỗi quốc gia sẽ phải đặt ra mức đóng góp của mình và EC có thể điều chỉnh nếu cần thiết.
Ngoài ra, theo đề xuất của 27 quốc gia thành viên, mục tiêu giảm tiêu thụ sơ cấp, bao gồm tiêu thụ năng lượng để sản xuất và phân phối điện đã trở thành "chỉ định", và không còn bắt buộc. Đáp lại, Đức đã thông qua một sửa đổi để yêu cầu các quốc gia nộp các khoản đóng góp về mức tiêu thụ cuối cùng của họ, vốn vẫn phải tuân theo một mục tiêu ràng buộc.
Theo Bộ trưởng Chuyển tiếp Năng lượng Pháp, Agnès Pannier-Runacher, các mục tiêu tiêu thụ năng lượng cuối cùng đã được chốt chặt nhưng có một số linh hoạt nhất định vì mỗi quốc gia không bắt đầu từ cùng một điểm.