EU nhất trí về luật cấm bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ 2035

Liên minh châu Âu vừa đạt được thỏa thuận về một đạo luật cấm bán ô tô chạy xăng và động cơ diesel từ năm 2035, nhằm tăng tốc độ chuyển đổi sang xe điện và phục vụ nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Các nhà đàm phán từ các nước EU và Nghị viện châu Âu, cơ quan sẽ thông qua luật mới của EU, cũng như Ủy ban châu Âu, cơ quan soạn thảo luật mới, đã nhất trí rằng các nhà sản xuất ô tô phải đạt được mức cắt giảm 100% lượng khí thải CO2 vào năm 2035, điều này buộc EU không thể bán các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong khối 27 quốc gia.

Đây cũng là đạo luật đầu tiên được hoàn thiện từ một trong các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của EU có tên là “Fit For 55”, nhằm mục đích giảm lượng phát thải gây hại cho khí hậu xuống 55% vào năm 2030, so với mức năm 1990 và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.

"Thỏa thuận này là một tin tốt cho những người lái xe ô tô... những chiếc xe không khí thải mới sẽ trở nên rẻ hơn, khiến chúng có giá cả phải chăng hơn và dễ tiếp cận hơn với mọi người", Trưởng đoàn đàm phán của Nghị viện Jan Huitema cho biết.

Giám đốc chính sách khí hậu của EU Frans Timmermans cho biết, thỏa thuận đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến ngành công nghiệp và người tiêu dùng. Ông nói: “châu Âu đang đón nhận sự chuyển dịch sang phương tiện di chuyển không phát thải”.

Thỏa thuận cũng bao gồm việc cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 đối với ô tô mới được bán từ năm 2030 so với mức năm 2021, cao hơn nhiều so với mục tiêu hiện tại là giảm 37,5% vào thời điểm đó. Xe ô tô mới phải tuân thủ mức cắt giảm 100% CO2 vào năm 2035 và cắt giảm 50% vào năm 2030 so với mức năm 2021.

Với việc các cơ quan quản lý gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất ô tô trong việc hạn chế lượng khí thải carbon, nhiều người đã tuyên bố đầu tư vào điện khí hóa. Ông chủ của Volkswagen - Thomas Schaefer trong tuần này cho biết từ năm 2033, thương hiệu này sẽ chỉ sản xuất ô tô điện ở châu Âu.

Việc cấm toàn bộ các loại ô tô chạy bằng xăng, dầu từ năm 2035 sẽ buộc các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu thực hiện các cuộc cách mạng trong lĩnh vực chế tạo ô tô điện, kéo theo đó là các thay đổi lớn trong mô hình kinh tế các nước. Bởi ngành công nghiệp ô tô châu Âu sử dụng đến hàng chục triệu lao động trực tiếp và gián tiếp tại các quốc gia, kèm theo đó là hàng ngàn ngành công nghiệp phụ trợ.

Theo nhà tư vấn ngành ô tô Bernd Bohr, các nhà cung cấp lớn sở hữu nhiều tiềm lực có thể vẫn sẽ bình tĩnh trong trường hợp này. Mặt khác, các công ty nhỏ hơn sẽ phải thích ứng, cân nhắc việc đa dạng hóa, hoặc đối mặt với khả năng rất thực tế là phải ngừng kinh doanh.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đồng thời là người phụ trách chính sách môi trường của Liên minh châu Âu - ông Frans Timmermans cho rằng, việc chuyển đổi năng lượng tại châu Âu là vấn đề cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi châu Âu đối mặt với các thách thức lớn về năng lượng gây ra bởi cuộc chiến tại Ukraine.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhận định lạc quan về lợi ích thỏa thuận này sẽ mang lại, vẫn có những ý kiến bất đồng do lo ngại thỏa thuận này sẽ giới hạn đa dạng về công nghệ. Ông Jens Gieseke, đại diện của nhóm nghị sĩ trung hữu EPP Group cảnh báo thỏa thuận sẽ đóng sập cánh cửa cho phát triển công nghệ mới và đặt tất cả trứng vào một giỏ. Đây là một sai lầm. Với thỏa thuận này, sau năm 2035, đường phố của châu Âu có thể sẽ đầy những chiếc xe cổ vì xe mới không có sẵn hoặc giá cả không phải chăng.

Theo thỏa thuận, EU không có kế hoạch cấm lái xe động cơ đốt trong. Thay vào đó, liên minh này hy vọng rằng xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch cuối cùng sẽ dần được thay thế bằng xe điện.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/eu-nhat-tri-ve-luat-cam-ban-o-to-chay-bang-nhien-lieu-hoa-thach-tu-2035-i305905/