EU nỗ lực hóa giải sức ép từ Mỹ và Trung Quốc như thế nào?

Trước tình hình quan hệ Mỹ-Trung biến động, các nước thành viên EU đã nỗ lực hành động nhằm đưa lục địa này thoát khỏi sức ép đến từ cả hai cường quốc.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung có nhiều biến động, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã phải tập trung vào thế phòng thủ trước các động thái của Washington và Bắc Kinh. Lý do là vì châu Âu thấy mình đang bị kìm kẹp về mặt địa chính trị giữa hai cường quốc, tờ The New York Times nhận định.

Hiện tại, hàng xuất khẩu của EU sang Mỹ có nguy cơ phải đối mặt mức thuế cao tới 50% nếu không thể đạt được một thỏa thuận thuế quan với Washington. Có khả năng EU sẽ buộc phải nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận thuế quan với Washington, trong đó có thể bao gồm cam kết có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Tuy vậy, các nước thành viên EU khi đó lại phải đối mặt những rủi ro đến từ các hành động đáp trả của Bắc Kinh, giữa lúc mối quan hệ kinh tế giữa hai bên đã phát triển quá gắn bó trong nhiều năm qua.

Tình hình trên đã cho thấy rõ châu Âu đang rơi vào thế giằng co giữa hai cường quốc và có thể sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro liên quan kinh tế nếu không sớm giải quyết. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo EU trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực tìm ra lối thoát cho lục địa này.

 Các nước thành viên EU đã phải tập trung vào thế phòng thủ trước các sức ép từ tình hình quan hệ Mỹ-Trung. Ảnh: AFP

Các nước thành viên EU đã phải tập trung vào thế phòng thủ trước các sức ép từ tình hình quan hệ Mỹ-Trung. Ảnh: AFP

Thuyết phục Bắc Kinh

Đối với Trung Quốc, các nước thành viên EU giữ quan hệ “vừa hợp tác vừa cạnh tranh". Một mặt, các nhà hoạch định chính sách của EU đang nỗ lực hành động nhằm thuyết phục các đối tác ở Bắc Kinh chấm dứt việc bơm quá nhiều khoản hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp nước này.

Họ cũng thúc đẩy Bắc Kinh làm chậm lại dòng chảy hàng hóa giá rẻ đang có nguy cơ tràn ngập EU và mở rộng cửa đầu tư cho các doanh nghiệp đến từ châu Âu.

Điều này đã thể hiện rõ qua lệnh cấm của EU vào cuối tháng 6-2025. Trong đó, EU đã tiến hành cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu công khai của EU đối với các thiết bị y tế trị giá 60 tỉ euro trở lên (68,9 tỉ USD), sau khi kết luận rằng các công ty EU không được tiếp cận công bằng tại Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.

Trung Quốc hôm 6-7 đã trả đũa bằng cách hạn chế việc chính phủ nước này mua các thiết bị y tế xuất xứ từ EU có giá trị vượt quá 45 triệu nhân dân tệ (6,3 triệu USD), theo tờ Global Times.

Các lãnh đạo EU dự kiến sẽ có mặt tại Bắc Kinh để tham dự một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 7. Ông Jens Eskelund - Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc - cho biết các cuộc gặp cần tập trung vào việc thuyết phục Trung Quốc cần phải có các quy định kinh tế minh bạch hơn, đồng thời giải quyết thực trạng các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh tại Trung Quốc đang phải vượt qua nhiều rào cản khó khăn.

Mặc khác, quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ này đã phát triển rất sâu rộng. Các nước thành viên EU vẫn cần các công ty Trung Quốc trong việc cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp. Và xuất khẩu từ châu Âu sang Trung Quốc vẫn ở mức đáng kể, đặc biệt là từ Đức.

 Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels (Bỉ) ngày 3-7. Ảnh: XINHUA

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels (Bỉ) ngày 3-7. Ảnh: XINHUA

Chính vì thế, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang biến động, các nước châu Âu vẫn lựa chọn duy trì mối quan hệ với Trung Quốc ở một mức độ ổn định tương đối nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng cung cấp hàng hóa cho lục địa này.

Quan điểm này được thể hiện qua cuộc gặp tại Bỉ ngày 2-7 giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, bà von der Leyen đã nhấn mạnh cam kết của EU trong việc phát triển mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng với Trung Quốc, cũng như hợp tác kinh tế và thương mại cùng có lợi.

Mục tiêu của các nước thành viên EU không phải là cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc, New York Times dẫn lời Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen. “Vấn đề là phải thiết lập quan hệ một cách bình đẳng hơn và có cách tiếp cận mang tính trao đổi thực chất hơn” - ông Rasmussen lưu ý hôm 4-7.

Đàm phán với Washington

Trong khi đó, đối với Mỹ, EU sẽ phải giải quyết vấn đề lớn nhất hiện tại là thuế quan. Ngày 25-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã hoãn việc áp thuế 50% lên hàng hóa đến từ EU tới ngày 9-7, sau cuộc điện đàm giữa ông với Chủ tịch von der Leyen.

Hiện EU vẫn đang tiến hành đàm phán với Mỹ và tiến gần đến một thỏa thuận thương mại cấp cao dạng “khuôn khổ”. Theo các nhà ngoại giao và quan chức, EU sẵn sàng chấp nhận mức thuế cơ bản 10% mà Tổng thống Trump áp cho tất cả các nước, theo tờ The Guardian.

Tuy nhiên, các nhà đàm phán EU chỉ chấp nhận điều này nếu đổi lại là việc kéo dài thời gian đàm phán và EU có thể đạt được một số nhượng bộ liên quan đến mức thuế 25% đánh vào ô tô - điều đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, nhất là Đức.

Đồng thời, EU cũng đã sẵn sàng các biện pháp đáp trả. Các nước thành viên EU tháng 4 đã bỏ phiếu thông qua gói biện pháp đầu tiên, áp thuế lên các mặt hàng nhập từ Mỹ nhằm đáp trả mức thuế 25% mà Mỹ áp lên thép và nhôm. Các biện pháp này sau đó đã được tạm dừng trong vòng 90 ngày nhằm tạo điều kiện cho đàm phán.

“Chúng tôi muốn dành cơ hội cho đàm phán. Nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả như mong đợi, các biện pháp đáp trả của chúng tôi sẽ được triển khai. Công tác chuẩn bị cho các biện pháp tiếp theo vẫn đang tiếp tục” - bà von der Leyen viết trên mạng xã hội X hồi tháng 4.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm thoát ra khỏi thế kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia đánh giá rằng triển vọng để EU thoát khỏi sức ép từ tình hình quan hệ Mỹ-Trung vẫn còn chưa rõ, do không thể nào đoán trước được động thái của các bên.

TRỌNG TẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/eu-no-luc-hoa-giai-suc-ep-tu-my-va-trung-quoc-nhu-the-nao-post859322.html