EU quay lưng, Ukraine sắp 'vỡ trận' kinh tế?

Từng là 'phao cứu sinh' của Ukraine, EU nay lại khiến kinh tế nước này lao dốc với thuế quan, chính trị khó hiểu và sự im lặng đáng ngờ trước thỏa thuận mất chủ quyền tài nguyên.

Quảng trường Độc lập ở Kiev, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Quảng trường Độc lập ở Kiev, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 27/5, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng, một nghịch lý đáng lo ngại đang diễn ra: chính Liên minh châu Âu (EU) - đồng minh quan trọng nhất của Ukraine - đang vô tình kìm hãm sự phục hồi kinh tế của đất nước này thông qua những quyết định chính trị khó hiểu.

Thuế quan nông sản: Đòn giáng chí mạng

Điểm nóng nhất trong vấn đề này chính là việc EU quyết định kết thúc chính sách miễn thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp Ukraine vào ngày 5/6 tới. Theo Dmytro Natalukha, Chủ tịch Ủy ban kinh tế Quốc hội Ukraine, việc quay trở lại mức thuế quan trước xung đột sẽ cắt giảm tới 70% sản lượng xuất khẩu của Ukraine trong năm nay, đẩy nước này đến bờ vực suy thoái kinh tế.

Chính sách miễn thuế được áp dụng ngay sau cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022 nhằm hỗ trợ Kiev duy trì hoạt động kinh tế giữa thời chiến. Tuy nhiên, EU hiện đã quyết định chấm dứt ưu đãi này do áp lực từ nông dân Ba Lan và Pháp, những người phản đối việc các sản phẩm giá rẻ của Ukraine "tràn ngập" thị trường của họ.

Brussels cũng lo ngại rằng việc gia hạn chế độ miễn thuế có thể giúp phe cánh hữu hoài nghi châu Âu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan. Như ông Natalukha nhận xét: "Có vẻ như tình hình chính trị bên trong Liên minh châu Âu đang làm suy yếu khả năng kinh tế của chúng tôi trong việc duy trì chiến với Nga".

Hai trụ cột kinh tế bị đe dọa

Việc áp thuế đối với nông sản Ukraine không chỉ gây tổn hại trực tiếp mà còn đe dọa một trong hai trụ cột cốt lõi của nền kinh tế nước này. Trụ cột thứ hai - ngành luyện kim - cũng đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ nếu mỏ than gần Pokrovsk cuối cùng bị lực lượng Nga kiểm soát.

Điều này tạo ra một tình huống "ngớ ngẩn" như ông Natalukha mô tả: "Chúng tôi buộc phải đến và đề nghị bạn [EU] cung cấp tiền, thay vì chỉ kiếm tiền thông qua thương mại. Đây là một tình huống rất xấu xa và méo mó, bởi vì thay vì giao dịch và hưởng lợi từ thương mại theo cách bình thường, Ukraine đang bị đẩy vào thế trở thành bên ăn xin".

Đáng chú ý, các quan chức thương mại EU đã từ chối yêu cầu gặp mặt của ông Natalukha trong chuyến thăm Brussels gần đây, cho thấy sự thờ ơ đáng lo ngại của khối này.

Một vấn đề khác khiến Ukraine đau đầu là các "trái phiếu bảo đảm bằng GDP" - những công cụ tài chính được thiết kế để thanh toán dựa trên tăng trưởng kinh tế. Các quỹ đầu cơ lớn của Mỹ như Aurelius Capital Management và VR Capital Group hiện đang yêu cầu Ukraine trả 600 triệu USD trước cuối tháng này, chỉ vì nền kinh tế Ukraine đã tăng trưởng hơn 3% vào năm 2023.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chỉ là sự phục hồi từ mức suy giảm gần 30% sau cuộc xung đột với Nga năm 2022. Như Bohdan Slutskyi, nhà kinh tế tại Trung tâm Chiến lược Kinh tế ở Kiev nhận xét: "Những công cụ này được tạo ra vào năm 2015 trong những điều kiện kinh tế vĩ mô hoàn toàn khác, khác biệt cơ bản so với thực tế hiện nay".

Tim Jones, Giám đốc chính sách tại Debt Justice (Anh), cũng chỉ ra rằng "các trái phiếu bảo đảm bằng GDP được thiết kế kém và không tính đến tác động của các sự kiện như cuộc tấn công từ bên ngoài". Ông kêu gọi EU và các đồng minh khác hỗ trợ Ukraine trong việc từ chối thanh toán nếu các chủ trái phiếu không chấp nhận đề nghị hợp lý.

Tuy nhiên, Euractiv.com lưu ý, khi được yêu cầu bình luận, EU chỉ trả lời một cách mơ hồ rằng họ "đã theo dõi chặt chẽ" và "sẽ tiếp tục theo dõi" - thực chất là không làm gì cả.

Thỏa thuận khoáng sản: Mất chủ quyền tài nguyên

Nghiêm trọng hơn cả là sự im lặng của EU trước thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine, buộc Ukraine phải chuyển 50% doanh thu từ dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản trong tương lai vào một quỹ đầu tư do Mỹ quản lý. Điều này thực chất là nhượng lại chủ quyền đối với một nửa nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.

EU thậm chí còn hợp tác với Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham - người công khai gọi Ukraine là "mỏ vàng" có thể "tốt cho nền kinh tế Mỹ" - trong việc áp đặt trừng phạt Nga.

Như vậy, Euractiv.com cho rằng dù EU đã cung cấp lượng hỗ trợ lớn cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, những hành động gần đây cho thấy sự hỗ trợ này chỉ kéo dài "miễn là họ muốn" - tức là miễn là có lợi về mặt chính trị. Thay vì tạo điều kiện cho Ukraine tự cường về kinh tế, EU đang vô tình biến Ukraine thành "bên ăn xin" phụ thuộc vào viện trợ, trong khi để mặc các thế lực khác khai thác tài nguyên của đất nước này.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-quay-lung-ukraine-sap-vo-tran-kinh-te-20250527221552726.htm