EU rẽ phải

Trong 4 ngày từ 6 - 9/6 vừa qua, khoảng 55% trong số hơn 362 triệu cử tri ở 27 quốc gia thành viên EU đã đi bỏ phiếu bầu 720 vị dân biểu của EP.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa rồi không gây bất ngờ lớn nhưng vẫn là hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh giới chức lãnh đạo hiện tại và cả trong nhiệm kỳ tới nữa của EU.

Về cơ bản, ba tập hợp chính trị lớn nhất trong EP được bầu ra cách đây 5 năm vẫn có thể hợp sức bố trí nhân sự của họ vào các vị trí quyền lực trong bộ máy hành chính của các thể chế của EU và EP.

Phe này không bảo vệ được tất cả số ghế dân biểu đã có được ở cuộc bầu cử EP hồi năm 2019 nhưng vẫn có được đa số ổn định trong EP mới được cử tri EU mới bầu ra.

Trong 4 ngày từ ngày 6 đến ngày 9/6 vừa qua, khoảng 55% trong số hơn 362 triệu cử tri ở 27 quốc gia thành viên EU đã đi bỏ phiếu bầu 720 vị dân biểu của EP. Tỷ lệ cử tri này có phần cao hơn so với ở lần bầu cử cách đây 5 năm, nhưng cả trên danh nghĩa và về thực chất như vậy vẫn là thấp.

Chỉ riêng tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử EP thấp cũng đã là điều chẳng tốt đẹp gì đối với EU vì là bằng chứng về việc một bộ phận không hề nhỏ dân chúng các nước thành viên EU ngán ngẩm và không hài lòng với EU.

Thắng cử rất ấn tượng của các đảng phái chính trị, liên minh và lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa mới là điều đáng được chú ý đến nhất ở cuộc bầu cử EP năm nay. Đấy cũng còn chính là điều khiến cho giới chức hiện tại của EU bị sốc thật sự.

Ở Áo và Bỉ, phe nhóm này trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất. Thủ tướng Bỉ đã phải từ chức. Ở Italy, phe cánh này vẫn duy trì được vị thế quyền lực nổi trội. Ở Đức, phe này vươn lên trở thành lực lượng chính trị mạnh thứ 2, vượt cả 3 đảng trong liên minh chính phủ cầm quyền hiện tại.

Ở Pháp, đảng cầm quyền của tổng thống Emmanuel Macron giành về chỉ được có khoảng 15% phiếu bầu trong khi phe cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa đạt được tổng cộng gần 40% phiếu bầu.

Ông Macron đã phải làm cuộc chạy trốn về phía trước khi ngay lập tức tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngay cuối tháng 6 này và đầu tháng 7 tới. Pháp và Đức được coi là hai thành viên lãnh đạo EU thì phe cầm quyền đều bị trừng phạt nặng ở cuộc bầu cử EP này.

Cho nên không hề sai gì khi nói rằng EU bắt đầu rẽ phải, bắt đầu bị đẩy từ trung tâm sang phía cánh phải. Có nhiều nguyên nhân đưa lại kết quả bầu cử EP rất đáng báo động này đối với EU và báo hiệu các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa còn tiếp tục lớn mạnh nếu EU không thức tỉnh để thức thời.

Kinh tế tăng trưởng khó khăn, cải cách thể chế trì trệ, nội bộ rạn nứt cả về đối nội lẫn đối ngoại, vấn đề người tỵ nạn và di cư về cơ bản vẫn bế tắc giải pháp ổn thỏa cho cả lâu dài, rồi còn tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh ở Ukraine và từ cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.... - tất cả đều tiếp tục là những gánh nặng quá sức chịu tải của EU.

EU và EP sẽ gặp thêm nhiều khó khăn và phức tạp trong nhiệm kỳ tới bởi sự gia tăng vị thế và ảnh hưởng của các lực lượng, phe cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa.

Việc EU tiếp tục hậu thuẫn Ukraine chiến tranh với Nga cũng sẽ không dễ dàng và thuận lợi như trước. EU đã bắt đầu rẽ phải và sự dịch chuyển về phía cánh hữu sẽ còn tiếp tục gia tăng. EU sẽ còn phải tự bận rộn với chính mình thêm thời gian nữa.

Phù Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/eu-re-phai-post687128.html