EU, Serbia ký thỏa thuận quan trọng về 'vàng trắng'
Động lực đằng sau thỏa thuận này rất rõ ràng: EU cần lithium và cần khai thác nguyên liệu này một cách nhanh chóng.
Liên minh Châu Âu (EU) đang tìm kiếm lithium để thúc đẩy quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và giúp khối này gia tăng lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu về công nghệ sạch.
Trong 3 năm qua, EU đã thực hiện một sứ mệnh mà họ tự gọi là "ngoại giao nguyên liệu thô", ký kết các thỏa thuận về nguồn tài nguyên này với 13 quốc gia bao gồm Canada, Ukraine, Kazakhstan, Rwanda, Argentina và Namibia. Giờ đây, một cái tên mới vừa được bổ sung vào danh sách: Serbia.
Hôm 19/7, thay mặt EU, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Šefčovič đã chốt một loạt thỏa thuận với Serbia, cho phép các nhà sản xuất ô tô EU và châu Âu quyền tiếp cận độc quyền với lithium của quốc gia vùng Balkan và mở đường cho việc xây dựng một trong những mỏ lithium lớn nhất trên "cựu lục địa".
"Đây là một dự án quan trọng của châu Âu và góp phần giúp châu Âu duy trì chủ quyền và độc lập trong việc cung cấp nguyên liệu thô trong một thế giới đang thay đổi", ông Scholz nói với các nhà báo ở thủ đô Belgrade của Serbia.
"Chúng ta gặp nhau ở đây vào một ngày lịch sử, một cơ hội lịch sử cho Serbia, cho Liên minh châu Âu và là bằng chứng rõ ràng rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ sạch. Điều này sẽ mở ra cánh cửa cho khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Serbia", ông Šefčovič nói với các phóng viên.
Trước đó ông Šefčovič và Bộ trưởng Khai thác mỏ và Năng lượng Serbia Dubravka Đedović Handanović đã ký một thỏa thuận chính thức hóa chuỗi cung ứng của EU và chế biến lithium do Rio Tinto, một tập đoàn khai thác mỏ Anh-Australia khai thác.
Lithium – đôi khi được mệnh danh là "vàng trắng" do nhu cầu cao trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh để sử dụng trong pin cung cấp năng lượng cho xe điện và màu trắng đặc biệt của nó – rất dồi dào và cho đến nay vẫn chưa được khai thác ở khu vực Jadar phía Tây Serbia.
Một ý định thư cũng đã được ký kết với đại diện của các nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu như Mercedes-Benz của Đức và nhà sản xuất ô tô Stellantis của Pháp-Italy. Tuy nhiên, bất chấp tiềm năng mà nó mang lại cho EU, dự án này không được ưa chuộng ở Serbia.
Sự hứa hẹn về thúc đẩy kinh tế mà thỏa thuận có thể mang lại dường như không được nhiều người Serbia quan tâm, trong bối cảnh cuộc tranh luận gay gắt ở quốc gia vùng Balkan về việc ai có quyền khai thác lithium ở đâu và với chi phí bao nhiêu.
Thỏa thuận mới được ký sẽ không khởi động sản xuất ngay lập tức – thay vào đó Serbia và EU có kế hoạch vạch ra lộ trình vào cuối năm nay để biến những ý tưởng trên giấy tờ như hợp tác nghiên cứu và chương trình đào tạo cho nhân viên công nghệ thành hành động cụ thể.
Nhưng động lực đằng sau thỏa thuận này rất rõ ràng: EU cần lithium và cần khai thác nguyên liệu này một cách nhanh chóng. Nó được sử dụng trong pin cho ô tô điện, tấm pin mặt trời và turbine gió – những yếu tố quan trọng cho một tương lai không có nhiên liệu hóa thạch.
Theo Trung tâm nghiên cứu chung của EU, nhu cầu lithium đối với pin ở EU được dự đoán sẽ tăng gấp 12 lần từ năm 2020 đến năm 2030 – và Đức, cường quốc sản xuất ô tô của châu Âu, có nhu cầu đặc biệt lớn. Luật của EU cấm hầu hết việc bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mới trong khối từ năm 2035 cũng đang thúc đẩy nhu cầu mới về việc tăng cường sản xuất các nguồn năng lượng thay thế.
Hiện tại, khối này còn cách khả năng tự cung tự cấp một khoảng rất xa. Một quan chức EU nói với DW rằng 79% lượng lithium đã qua xử lý nhập khẩu của khối hiện đến từ Chile, nhưng khi nói đến việc nhập khẩu pin đã sản xuất, khối 27 quốc gia vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc.
Kể từ năm 2020, EU đã gấp rút giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Năm ngoái, Brussels đã công bố một đạo luật nhằm đa dạng hóa các nhà cung cấp nguyên liệu thô quan trọng, bao gồm cả lithium, và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Minh Đức (Theo DW, Politico EU)