EU tạo mặt trận thống nhất trước cuộc gặp Nga
Ngoại trưởng Đức Baerbock cho rằng, việc quay trở lại đối thoại với Nga là điều cần thiết cho dù ở ở định dạng Normandy hay tại cuộc gặp Hội đồng Nga-NATO.
Trong tuần này, các quan chức cấp cao phương Tây liên tục có các cuộc gặp và điện đàm thảo luận về tình hình biên giới tại Ukraine, đáng chú ý nhất là hôm nay (5/1), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sẽ có cuộc gặp trực tiếp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Washington. Những động thái này của các nước phương Tây được nhận định là để tạo ra phản ứng thống nhất trước cuộc họp với Nga dự kiến vào tuần sau.
Phát biểu vào hôm qua (4/1), ông Christofer Burger, người phát ngôn của Ngoại trưởng Đức cho biết, bà Annalena Baerbock sẽ thảo luận về tình hình biên giới Nga-Ukraine với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Washington.
“Cuộc thảo luận sẽ bao gồm toàn bộ các vấn đề trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề chính sách đối ngoại cấp bách, chủ yếu là tình hình ở biên giới Ukraine và các cuộc đàm phán song phương và đa phương sắp tới với Nga”, ông Christofer Burger nói.
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Baerbock cho rằng, việc quay trở lại đối thoại với Nga là điều cần thiết cho dù ở ở định dạng Normandi hay tại cuộc gặp Hội đồng Nga-NATO.
“Hiện chúng ta đang ở vào giai đoạn quyết định, trong đó sẽ có các cuộc đàm phán quan trọng ở nhiều cấp độ khác nhau. Và mặc dù hình thức của các cuộc đàm phán khác nhau, thông điệp của chúng tôi với tư cách là đối tác xuyên Đại Tây Dương gửi tới chính phủ Nga luôn giống nhau. Cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng là thông qua đối thoại”, bà Baerbock nói.
NATO cũng cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến của các Ngoại trưởng vào ngày 7/1 để đánh giá tình hình ở Ukraine và các cuộc đàm phán sắp tới với Nga.
Trước đó hôm qua (4/1), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã có cuộc điện đàm thảo luận một số vấn đề nóng trong đó có việc Nga triển khai quân đội ở biên giới với Ukraine và hai dự thảo thỏa thuận về đảm bảo an ninh mà Nga đưa ra đối với Mỹ và các thành viên của NATO.
Trả lời báo chí, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhắc lại sự ủng hộ kiên định của khối này đối với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine: “Chúng tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng, chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga. Chúng tôi thực sự tin tưởng vào đối thoại. Chúng tôi tin rằng đối thoại rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Mặc dù chúng tôi sẵn sàng đối thoại nhưng chúng tôi không thỏa hiệp chủ quyền của mọi quốc gia có chủ quyền như Ukraine”.
Trước đó, vào tháng 12/2021, Nga đã công bố các dự thảo thỏa thuận giữa Nga với Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh. Các đề xuất, nếu được nhất trí, sẽ ngăn NATO mở rộng ở Đông Âu, cấm Mỹ và Nga triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn trong khoảng cách tấn công lãnh thổ của nhau, cùng các điều khoản khác.
Dự kiến, Nga và Mỹ sẽ tiến hành tham vấn về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân và tình hình căng thẳng do vấn đề Ukraine gây ra tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10/1. Ngày 12/1, Nga sẽ tổ chức đối thoại với NATO tại Brussels, Bỉ. Ngày 13/1, Nga sẽ tổ chức đối thoại với Tổ chức An ninh châu Âu (OSCE) tại Viên, Áo. Liệu Mỹ, phương Tây và Nga có thể đạt được thỏa thuận về những yêu cầu liên quan mà Nga đưa ra hay không là điều dư luận quan tâm.
Căn cứ tình hình hiện tại, ranh giới cuối cùng của Nga là Ukraine không được gia nhập NATO và NATO không được mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên, những điều kiện này được cho là khó có thể chấp nhận được đối với NATO. Vì vậy, theo các nhà phân tích, các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO khó có thể đạt được kết quả thực chất./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/eu-tao-mat-tran-thong-nhat-truoc-cuoc-gap-nga-post916337.vov