EU thông qua kế hoạch hỗ trợ năng lượng tái tạo 28 tỉ euro của Đức
Nguồn: AFP/TTXVN
* Các nước EU trước nguy cơ thiếu khí đốt càng nghiêm trọng
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 21/12 thông báo cơ quan này đã thông qua kế hoạch trị giá 28 tỉ euro (29,69 tỉ USD) của Chính phủ Đức, nhằm hỗ trợ năng lượng tái tạo, qua đó tăng cường mở rộng việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời.
Kế hoạch hỗ trợ sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
EC cho biết kế hoạch này là cần thiết và phù hợp để thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như giảm lượng khí thải đang làm Trái Đất ấm dần lên.
Bên cạnh đó, theo EC, những tác động môi trường tích cực của nguồn năng lượng này lớn hơn so với tác động tiêu cực có thể gây ra.
Trong một tuyên bố, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC) bà Margrethe Vestager khẳng định: “Đạo luật năng lượng tái tạo năm 2023 của Đức sẽ góp phần nhiều hơn vào việc khử carbon trong sản xuất điện. Theo kế hoạch trên, các nhà sản xuất năng lượng tái tạo sẽ được trả cao hơn mức giá thị trường mà họ nhận được khi bán điện”.
Mở rộng sản xuất năng lượng sạch được coi là chìa khóa để đáp ứng mục tiêu của Đức là loại bỏ lượng khí thải nhà kính ròng vào năm 2045 cũng như bù đắp một phần nguồn cung năng lượng thiếu hụt do tình hình xung đột tại Ukraine gây ra.
Trước đó, Chính phủ Đức khẳng định trong chưa đầy một thập kỷ nữa, Đức sẽ tăng gần gấp đôi tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ điện và tăng gấp ba lần tốc độ mở rộng điện tái tạo - trên mặt nước, trên đất liền và trên mái nhà. Đây là điều kiện để Đức có thể đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền năng lượng, đặt nền tảng để trở thành quốc gia trung hòa carbon.
Đây cũng là một phần trong chương trình nghị sự của Đức trước áp lực khan hiếm năng lượng trong những tháng qua. Một mặt, do cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra rất nặng nề, mặt khác, cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy tầm quan trọng của việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo.
* Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng và gây chia rẽ, các nước thành viên EU đã đạt được thảo thuận về cơ chế điều chỉnh theo thị trường. Cụ thể, các bên thống nhất mức trần giá khí đốt 180 euro/MWh sẽ được áp dụng từ ngày 15/2/2023.
Cơ chế giá trần này sẽ được kích hoạt ngay khi giá giao dịch khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan vượt quá mức 180 euro/MWh trong 3 ngày liên tiếp và giá khí đốt cao hơn ít nhất 35 euro so với mức giá tham chiếu của khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường toàn cầu trong cùng một thời điểm.
Cơ chế này cho phép EU vô hiệu hóa mọi giao dịch khí đốt cao hơn mức giá trên, đồng thời giúp ngăn các nhà cung cấp LNG từ bỏ châu Âu để quay sang các khách hàng trả tiền mua khí đốt với giá hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, các bộ trưởng cũng đạt được thỏa thuận chính trị về việc đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo, cách tiếp cận chung về đề xuất giảm phát thải khí methane trong lĩnh vực năng lượng và kế hoạch REPowerEU liên quan năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher đánh giá thỏa thuận đã "cung cấp các biện pháp bảo vệ" để đảm bảo an ninh cung cấp khí đốt của EU và sự ổn định tài chính của các bên tham gia thị trường.
Tuy nhiên, chuyên gia Simone Tagliapietra từ Viện Bruegel cho rằng cơ chế áp giá trần khí đốt không phải là một giải pháp kỳ diệu.
Trên thực tế, châu Âu sắp trải qua mùa Đông đầu tiên với nguồn cung khí đốt từ Nga giảm. Những biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga đã gây ra những tác động lớn.
Giá khí đốt tại EU đã cao gấp 6 lần so với trung bình trong dài hạn. Giá điện tại thị trường châu Âu cao gấp 15 lần kể từ đầu năm 2021, còn hóa đơn khí đốt và điện của các hộ gia đình trên khắp châu Âu tăng gần gấp đôi so với một năm trước.
Giá năng lượng tăng khiến giá hàng hóa leo thang không ngừng, dẫn đến lạm phát cao ở nhiều nước EU, buộc các ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế.
Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang dần “bào mòn” ngành công nghiệp châu Âu. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như nhôm, phân bón và hóa chất có nguy cơ chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất vĩnh viễn sang những nơi có năng lượng giá rẻ, chẳng hạn như Mỹ.
Một ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất chính là mùa lễ hội cuối năm ảm đạm ở châu Âu. Năm nay, nhà chức trách tại khắp các thành phố châu Âu đều phải đưa ra quy định về thời gian chiếu sáng để tiết kiệm năng lượng, giảm bớt những ánh đèn trang trí lung linh rực rỡ từng là biểu tượng tại nhiều kinh đô ánh sáng của "Lục địa Già".