EU thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ
Ngày 6-3, theo AP, Liên minh châu Âu (EU) đã vạch ra các kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và tìm cách giúp các quốc gia thành viên thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào sự bảo trợ từ Mỹ.
Các kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) tập trung vào việc hợp lý hóa chính sách mua sắm vũ khí của 27 quốc gia thành viên EU và tăng cường sản xuất vũ khí trị giá hàng tỷ USD.
Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết, trong 16 tháng đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2-2022, các quốc gia thành viên đã chi hơn 100 tỷ euro cho quốc phòng. Gần 80% trong số đó được chi cho các hợp đồng bên ngoài EU, và Mỹ đã chiếm hơn 60% hợp đồng này.
Ví dụ, Đức đã công bố kế hoạch nâng cấp lực lượng vũ trang trị giá 100 tỷ euro (108 tỷ USD), trong đó phần lớn ngân sách dành cho máy bay chiến đấu F-35 và trực thăng vận tải của Mỹ.
Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia EU đã “ngủ quên” dưới chiếc ô hạt nhân bảo vệ của Mỹ thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi chi tiêu quốc phòng và khả năng ứng phó trước các nguy cơ an ninh ngày càng suy giảm.
Ủy viên EC Thierry Breton, người tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của EU cho biết, điều cần thiết lúc này là phải quay trở lại nền tảng công nghiệp của chính mình.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết: “Sau nhiều thập kỷ chi tiêu thấp, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Chúng ta cần phải làm điều đó tốt hơn và cùng nhau. Một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu mạnh mẽ, kiên cường và cạnh tranh là một mệnh lệnh chiến lược”.
Theo đề xuất, 27 quốc gia thành viên sẽ cùng mua ít nhất 40% thiết bị quốc phòng và đảm bảo rằng 35% giá trị quốc phòng dành cho thương mại nội bộ vào năm 2030.
Các kế hoạch sẽ được chuyển đến các quốc gia thành viên để tiếp tục đàm phán.