EU thúc đẩy thỏa thuận năng lượng để hạ nhiệt căng thẳng khi Mỹ tạm ngừng áp thuế đối ứng
Ngày 14/4, theo báo Politico, Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch khởi động lại đề xuất tăng cường nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố tạm dừng phần lớn các mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.

Tàu chở khí hóa lỏng (LNG) MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/TTXVN
Giới chức châu Âu kỳ vọng động thái này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy một thỏa thuận năng lượng mới với Washington, đồng thời góp phần hạ nhiệt căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Một số quan chức EU cho rằng khối này sẽ đề xuất các cơ chế cụ thể nhằm tăng mua LNG từ Mỹ, trong đó có phương án tập hợp nhu cầu toàn khối để tạo ra các đơn hàng quy mô lớn, qua đó đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ nhưng với mức giá hợp lý hơn. Đề xuất này không mới, nhưng trước đó chưa đạt được tiến triển do thiếu sự phối hợp từ phía Washington. Các quan chức cho biết tình hình hiện nay đã thay đổi khi thị trường tài chính Mỹ biến động mạnh và nhiều doanh nghiệp Mỹ đang kêu gọi điều chỉnh chính sách thương mại.
Tổng thống Trump nhiều lần kêu gọi EU mua thêm dầu khí từ Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương. Trong tuần qua, sau khi áp mức thuế 20% với hàng hóa EU, ông yêu cầu châu Âu chi thêm 350 tỷ USD cho năng lượng Mỹ. Dù vậy, số liệu cho thấy cán cân thương mại giữa hai bên tương đối cân bằng khi tính cả hàng hóa và dịch vụ.
EU coi quyết định tạm ngừng áp thuế là cơ hội để thúc đẩy hợp tác năng lượng. Phát biểu tại một hội nghị ngành công nghiệp, Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen cho biết khối này sẽ tăng nhập LNG từ Mỹ trong thời gian tới, nhưng khẳng định các giao dịch phải phù hợp với các mục tiêu môi trường của châu Âu.
Tuy nhiên, giới chức EU thừa nhận việc triển khai vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp, vì các hợp đồng mua bán LNG do khu vực tư nhân đảm nhiệm. Một số quốc gia thành viên cho biết các công ty năng lượng của họ đã nhập khẩu LNG từ Mỹ ở mức tối đa. Ngoài ra, EU từng triển khai cơ chế tập hợp nhu cầu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022, nhưng số lượng công ty tham gia không nhiều.
Dù còn hạn chế, việc tổng hợp đơn hàng và kết nối trực tiếp với các nhà cung cấp Mỹ được xem là hướng đi khả thi để tăng khối lượng nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá LNG cũng là yếu tố gây lo ngại, nhất là trong bối cảnh các nước EU phải đảm bảo dự trữ khí đốt đạt 90% công suất trước ngày 1/11 hằng năm. Một số nước đang đề xuất nới lỏng quy định này để có thể mua khí đốt linh hoạt hơn, tránh tình trạng giá tăng trong mùa hè khi nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh.
Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 11/4 đã khẳng định EU sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ tái áp dụng thuế quan, song nhấn mạnh khối này vẫn ưu tiên con đường đàm phán.