EU tiết lộ 'chiến lược tích trữ' để chuẩn bị cho chiến tranh
EU triển khai chiến lược dự trữ lương thực, nước uống, nhiên liệu và thuốc men nhằm chuẩn bị cho nguy cơ xung đột với Nga hoặc các tình huống khủng hoảng nghiêm trọng khác trong những năm tới.

Cờ của Liên minh châu Âu (EU). (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/7 đã công bố kế hoạch chưa từng có nhằm tích trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, nước uống, nhiên liệu và thuốc men trong trường hợp khủng hoảng, giữa những lo sợ về một cuộc chiến tiềm tàng với Nga.
“Chiến lược tích trữ” của Brussels được đưa ra khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảnh báo Nga có thể sẵn sàng tấn công liên minh quân sự này trong 5 năm tới.
Khối gồm 27 quốc gia thành viên đã khởi xướng nỗ lực sẵn sàng rộng khắp nhằm tăng cường năng lực quân sự và cố gắng đảm bảo EU có thể tự vệ từ năm 2030.
Ủy viên quản lý khủng hoảng của EU Hadja Lahbib tuyên bố: “Mục tiêu rất đơn giản là bảo đảm các nguồn cung thiết yếu giúp xã hội chúng ta hoạt động, đặc biệt là các nguồn cung cứu mạng người, luôn sẵn có. Chuẩn bị càng nhiều, chúng ta sẽ càng bớt hoảng loạn.”
EU cho biết kế hoạch tích trữ này nhằm bảo đảm tính liên tục của các mặt hàng chủ chốt trong một loạt cuộc khủng hoảng “như mất điện diện rộng, thảm họa thiên nhiên, xung đột hay đại dịch.”
Kế hoạch bao gồm việc thiết lập một mạng lưới giữa các quốc gia để điều phối tốt hơn các kho dự trữ, qua đó xác định sự chênh lệch và tăng cường “công tác dự trữ cấp EU.”
Mức độ chuẩn bị cho khủng hoảng của các công dân EU có sự khác biệt đáng kể giữa các nước thành viên. Những quốc gia trong khối, chẳng hạn như Phần Lan, sống dưới bóng của Moskva ở biên giới phía Đông EU, từ lâu đã nỗ lực để xã hội sẵn sàng cho một cuộc xung đột tiềm tàng.
Bà Lahbib khẳng định: “Tất nhiên, nếu bạn có đường biên giới dài 1.000km với Nga, bạn sẽ cảm thấy có nguy cơ bị đe dọa bởi một cuộc chiến tranh. Nhưng điều bình thường là ở Tây Ban Nha, người ta cảm thấy cháy rừng có nhiều khả năng xảy ra hơn. Không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả mọi người.”
Quan chức EU cũng nhấn mạnh bất kể nguyên nhân nào gây ra khủng hoảng, có thể là xung đột hay thảm họa thiên nhiên, tác động đối với người dân như mất nguồn năng lượng có thể là tương tự nhau.
Theo bà, nguy cơ mọi người không có năng lượng là lý do “chúng ta cần tích trữ hàng hóa ở khắp EU”./.