EU tung gói trừng phạt mới, Nga nói chỉ phản tác dụng
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga hôm 21-6.
Thụy Điển, hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, đã công bố thỏa thuận này trên Twitter. Gói biện pháp trừng phạt thứ 11 của EU chủ yếu nhằm ngăn chặn các nước thứ 3 và những công ty tránh né những biện pháp trừng phạt hiện có.
Cụ thể, gói trừng phạt mới nhất cấm vận chuyển hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng qua Nga để ngăn chặn việc sử dụng những sản phẩm này trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng cho phép khối áp đặt hạn chế đối với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm cho những quốc gia có thể bán lại chúng cho Nga.
EU cũng mở rộng danh sách hàng hóa bị hạn chế có thể phục vụ lĩnh vực quân sự của Nga.
EU cũng cấm các tàu tiếp cận cảng của khối nếu có lý do nghi ngờ hàng hóa được chở có nguồn gốc từ Nga. Bước này nhằm ngăn chặn các hành vi vận chuyển dầu thô hoặc các sản phẩm dầu mỏ của Nga trên biển để tránh lệnh cấm của EU.
Trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 21-6, Giám đốc hợp tác kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky cho biết hơn 130 quốc gia cử đại diện đến diễn đàn năm nay. Trong khi đó, các đại diện phương Tây không được mời và không được chào đón.
Ông Birichevsky cho hay: "Không phải phương Tây không tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg năm nay, đơn giản là chúng tôi không mời họ".
Ông Dmitry Birichevsky nói thêm: "Hàng chục quốc gia đã đưa ra các biện pháp hạn chế bất hợp pháp đối với đất nước chúng tôi – tốt thôi, họ không ở đây, họ không muốn ở đây và chúng tôi cũng không mong chờ họ".
Nhà ngoại giao này lập luận rằng các biện pháp trừng phạt có vấn đề không chỉ vì chúng không hiệu quả mà còn vì chúng phản tác dụng đối với quốc gia áp đặt.
Ông Birichevsky chỉ ra: "Hãy xem các doanh nghiệp châu Âu đã phải chịu thiệt hại như thế nào kể từ khi cắt đứt quan hệ với Nga. Đặc biệt, Đức, với tư cách là đầu tàu của châu Âu, đã thực sự thừa nhận rằng họ đang trong tình trạng trì trệ hoặc thậm chí suy thoái".
Theo nhà ngoại giao này, đây là lý do SPIEF năm nay thảo luận các chủ đề như phi USD hóa và giao dịch bằng đồng tiền quốc gia khác, cũng như các vấn đề như biến đổi khí hậu và quan hệ kinh tế khu vực.