EU và những thách thức mang tên 'ASEAN'
Mặc dù chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, nhưng EU vẫn duy trì sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ trong khu vực. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Thương mại ASEAN - EU năm 2022 đạt 295,2 tỷ USD - tăng 9,6% so với năm 2021. Ngoài ra, EU là nguồn FDI lớn thứ ba của ASEAN, với 24 tỷ USD năm 2022. Theo dữ liệu từ Báo cáo đầu tư ASEAN cùng kỳ, các quốc gia thành viên EU như Pháp, Đức và Hà Lan nằm trong số các nguồn FDI hàng đầu của ASEAN.
Hơn nữa, các thể chế EU, cùng các quốc gia thành viên, là nguồn cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ hai cho khu vực trong giai đoạn 2015-2021, chứng tỏ cam kết kinh tế đa phương diện của EU đối với khu vực này. EU cũng được đánh giá là thế lực kinh tế có ảnh hưởng lớn thứ tư ở khu vực Đông Nam Á, trong giai đoạn 2019-2024, vượt các cường quốc tầm trung như Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.
Ngoài ảnh hưởng kinh tế, Brussels còn được công nhận là nhân tố mạnh về quy chuẩn trong khu vực. Là một phần của khuôn khổ Chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, EU đã tìm cách hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng để thiết lập tiêu chuẩn và thúc đẩy các thông lệ quản trị tốt. Liên minh đã thể hiện tham vọng thúc đẩy một cấu trúc an ninh khu vực rộng mở và dựa trên luật lệ, đồng thời bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực thông qua các sáng kiến xây dựng năng lực. Do đó, các giá trị chung, bao gồm chủ nghĩa đa phương và cam kết về một trật tự dựa trên luật lệ vẫn là nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU. Điều này dẫn đến niềm tin lớn hơn vào khả năng của Brussels trong việc bảo vệ thương mại tự do toàn cầu và duy trì trật tự dựa trên luật lệ, với việc EU xếp trên các cường quốc tầm trung trong khu vực ở cả hai lĩnh vực nói trên.
Mặc dù, EU dường như có ảnh hưởng và vị thế tương đối lớn, nhưng sự can dự của liên minh với khu vực không phải là không có thách thức. Các vấn đề kinh tế dai dẳng, chẳng hạn như tranh chấp chưa được giải quyết về dầu cọ và mối lo ngại trong khu vực về chính sách carbon của EU, đang là những trở ngại đối với khối này. Hơn nữa, các thách thức địa chính trị khu vực và toàn cầu như cuộc khủng hoảng Myanmar và chiến tranh Israel - Hamas đã cản trở EU can dự với một số quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Do đó, sự tin tưởng của người dân Đông Nam Á vào EU đang ở mức thấp nhất kể từ khi liên minh triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2021.
Điều khiến tâm lý ngờ vực ngày càng tăng là các tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa EU với Indonesia và Malaysia xung quanh các chính sách bảo hộ. EU chính thức đệ đơn kiện Indonesia lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì “các biện pháp hạn chế xuất khẩu bất hợp pháp” của nước này đối với quặng niken và sắt. WTO đã ra phán quyết có lợi cho EU vào tháng 10/2022 và lệnh cấm vẫn có hiệu lực trong thời gian Indonesia kháng cáo quyết định này.
Đồng thời, việc EU thực hiện Chỉ thị về năng lượng tái tạo (RED II) nhằm loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu cọ từ nay đến năm 2030 đã gây tranh cãi. Là những quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, cả Indonesia và Malaysia đều đã đệ đơn kiện lên WTO, cho rằng EU cũng vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Các nhà sản xuất cao su trong khu vực cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự trước quy định của EU về các sản phẩm có xuất xứ từ phá rừng, có hiệu lực từ tháng 6/2023. Các nhà sản xuất từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Campuchia bày tỏ lo ngại rằng “hành động đơn phương và phi thực tế” của Brussels sẽ gây bất lợi cho những người nông dân làm ăn nhỏ hơn là cho các tập đoàn lớn.
Do đó, việc Brussels phản đối chính sách bảo hộ khoáng sản của Indonesia nhưng lại có các hành động mang tính bảo hộ và phân biệt đối xử, chẳng hạn ưu tiên nhiên liệu sinh học của châu Âu như hạt dầu cải, dẫn đến các cáo buộc về đạo đức giả và tiêu chuẩn kép. Hơn nữa, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU bị chỉ trích là công cụ bảo hộ mang lại lợi ích cho các công ty EU và gây tổn thất cho các đối thủ cạnh tranh ở Đông Nam Á. Những biện pháp này ảnh hưởng xấu đến uy tín của EU trong khu vực, được thể hiện qua kết quả khảo sát tại Indonesia và Malaysia trong giai đoạn 2020-2024 cho thấy sự suy giảm niềm tin vào EU trong việc bảo vệ chương trình nghị sự thương mại tự do toàn cầu.
Những tranh chấp thương mại này với Indonesia và Malaysia đã cản trở tiến trình đàm phán FTA vốn đã phức tạp đối với EU. Chẳng hạn, mặc dù đã tiến hành 16 vòng đàm phán kể từ năm 2016, nhưng EU và Indonesia hầu như chưa đạt được tiến triển và chưa đưa ra được giải pháp nào. Tương tự, EU và Malaysia đã đình chỉ các cuộc đàm phán FTA song phương kể từ năm 2012. Ở cấp độ khu vực, EU mới chỉ có FTA song phương có hiệu lực với 2 quốc gia thành viên ASEAN là Singapore và Việt Nam, cũng như đang đàm phán với 2 quốc gia khác là Thái Lan và Philippines. Tiến bộ hạn chế này đã cản trở nỗ lực thiết lập một FTA lớn hơn giữa EU và ASEAN, làm giảm niềm tin của khu vực vào khả năng của EU trong việc bảo vệ chương trình nghị sự thương mại tự do toàn cầu.
Ở mặt trận khác, việc EU nhấn mạnh các giá trị như “thương mại công bằng”, đặc biệt trong việc gắn thương mại với dân chủ và các vấn đề phi kinh tế khác, đã được chứng minh là phản tác dụng và nhiều nhạy cảm. Sự khác biệt cố hữu về dân chủ là nguyên nhân gây tranh cãi không hồi kết do hệ thống quản trị đa dạng ở Đông Nam Á, dẫn đến việc các nước ASEAN luôn phản đối các chính sách dân chủ và nhân quyền của châu Âu. Mặc dù, Brussels đã bớt truyền bá dân chủ dựa trên các giá trị, nhưng họ vẫn đưa ra nhiều lời chỉ trích và nghị quyết chống lại tất cả các quốc gia ASEAN, bao gồm cả Singapore. Nhận thức được điều này, EU đã nỗ lực ngăn chặn các vấn đề song phương cản trở sự hợp tác liên khu vực.