EU xem xét trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng hóa có công dụng quân sự sang Nga
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét trừng phạt 8 doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp cho Nga các mặt hàng điện tử, bao gồm cả chip bán dẫn, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, theo các nhà ngoại giao châu Âu. Đây là một phần của gói trừng phạt thứ 11 của EU nhằm vào Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Gói trừng phạt mới của EU, do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, sẽ tập trung vào nỗ lực ngăn chặn Nga và quân đội nước này lách các biện pháp trừng phạt hiện tại của phương Tây. Wall Street Journal cho biết gói trừng phạt sẽ được các nước thành viên EU thảo luận trong tuần này.
Theo các nhà ngoại giao châu Âu, danh sách doanh nghiệp Trung Quốc bị đề xuất trừng phạt bao gồm Công ty bán dẫn 3HC Semiconductors, có trụ sở tại Trung Quốc, bị cáo buộc bán cho các công ty Nga những sản phẩm có thể sử dụng trong thiết bị quân sự. Trong số 8 doanh nghiệp Trung Quốc bị đề xuất trừng phạt, có một số doanh nghiệp như King-Pai Technology HK và Sinno Electronics đã bị Mỹ trừng phạt. King-Pai Technology HK (Hồng Kông), bị chính quyền Mỹ trừng phạt vào tháng 3-2022 vì mua sắm các mặt hàng vi điện tử từ nước ngoài để cung cấp cho nhiều thực thể trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga. Các mặt hàng này bao gồm một số sản phẩm có thể được sử dụng để dẫn đường cho các hệ thống tên lửa. Sinno Electronics, có trụ sở ở Hồng Kông, cũng đã bị Washington trừng phạt vào mùa hè năm ngoái vì cung cấp hàng hóa bị phương Tây hạn chế xuất khẩu sang Nga cho Công ty mua sắm quốc phòng Radioavtomatika (Nga).
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết 8 doanh nghiệp Trung Quốc nói trên có thể bị đóng băng tài sản ở EU. Động thái mới của EU có thể gây tức giận cho Bắc Kinh, vốn đang sốt sắng ngăn Brussels đứng về phía Washington trong cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu.
Cho đến nay, Brussels tránh các lệnh trừng phạt nhắm vào Trung Quốc vì cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh trực tiếp cung cấp vũ khí cho Moscow.
Để thực thi lệnh trừng phạt, đề xuất của EC cần được tất cả 27 nước thành viên EU nhất trí. Trong những tháng gần đây, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty và cá nhân ở Iran vì vai trò của họ trong việc cung cấp máy bay không người lái cho quân đội Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, động thái xem xét trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc là một bước ngoặt đáng chú ý. EU đang nhắm mục tiêu vào một quốc gia có mối quan hệ thương mại quan trọng với châu Âu. Trong khi đó, Pháp và các nước EU khác đang hy vọng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò trung gian để thúc đẩy đàm phán hòa bình ở Ukraine.
Một số nguồn tin cho rằng cuộc thảo luận giữa các nước thành viên EU có thể kéo dài và căng thẳng vì đề xuất về gói trừng phạt mới có nguy cơ làm xáo trộn các mối quan hệ kinh tế và chính trị, bao gồm cả với các cường quốc. Một nguồn tin ngoại giao ở châu Âu nói: “Tôi không kỳ vọng EU sẽ thông qua gói trừng phạt mới vào tuần này hoặc tuần tới”.
Phản ứng trước đề xuất trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc, hôm 7-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tuyên bố Bắc Kinh phản đối bất kỳ biện pháp nào sử dụng mối quan hệ Trung-Nga như là cái cớ để gây tổn hại hợp tác thương mại giữa hai nước. Ông cảnh báo nếu lệnh trừng phạt nói trên được thực thi, Bắc Kinh sẽ có hành động đáp trả.
“Nếu thông tin trên các phương tiện truyền thông là sự thật, những hành động như vậy của phía châu Âu sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự tin tưởng lẫn nhau và sự hợp tác giữa EU và Trung Quốc. Phía châu Âu không nên phạm sai lầm, nếu không Bắc Kinh sẽ buộc phải kiên quyết bảo vệ các quyền hợp pháp lý của mình”, ông Vương Văn Bân nói.
Châu Âu cũng đang theo dõi sự gia tăng thương mại giữa Nga và một số nước láng giềng từ khu vực Trung Á đến Georgia. Các quan chức EU lo ngại hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga đang được các công ty ở những nước này nhập khẩu thay mặt cho các công ty Nga. Gói trừng phạt mới của EU sẽ thiết lập chính sách cấm xuất khẩu một số sản phẩm sang các nước hoặc công ty không thuộc EU đang bị nghi ngờ giúp Nga lách các hạn chế xuất khẩu của phương Tây.
Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, EU đã cấm bán một loạt sản phẩm, chiếm một nửa doanh số xuất khẩu sang Nga trước chiến tranh, và cấm nhập khẩu khoảng 2/3 doanh số mua hàng hóa mà khối này mua từ Nga trước chiến tranh.
Trong gói trừng phạt mới, Brussels đề xuất mở rộng các lệnh cấm xuất khẩu hiện có và đưa khoảng 100 người và tổ chức mới vào danh sách trừng phạt.
EC cũng đang tìm cách thắt chặt việc thực thi chính sách giá trần mà nhóm G7 áp đặt đối với dầu thô của Nga. Chính sách này được cho là đã giúp cắt giảm doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga trong những tháng qua.
Theo đề xuất của EC, EU sẽ cấm ghé các cảng của khối này đối với những tàu đã vi phạm hoặc bị nghi ngờ vi phạm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển hoặc chính sách giá trần đối với dầu của Nga xuất khẩu sang các nước thứ ba. Đề xuất này cũng sẽ cấm ghé cảng đối với các tàu tắt trái phép bộ phát đáp tín hiệu trái phép, một động thái có thể được sử dụng để che dấu hoạt động chuyển dầu của Nga từ tàu này sang tàu khác trên biển.
Theo WSJ, Financial Times