EURO 1984, sự thống trị của người Pháp
EURO 1984 đánh dấu việc Pháp lần đầu tiên vô địch châu Âu. Và họ vô địch theo cách không thể thuyết phục hơn: Thắng tất cả số trận, ghi nhiều bàn nhất, sở hữu vua phá lưới của giải đấu.
VCK châu Âu thứ 7 được tổ chức tại Pháp từ ngày 12 đến 27/6. Như VCK trước đó, giải đấu cách đây tròn 40 năm chứng kiến 8 đội tham dự được chia thành 2 bảng. Nhưng khác với VCK thiếu hấp dẫn năm 1980, UEFA đã đưa ra thay đổi tích cực.
Thay vì mỗi bảng chỉ chọn ra đội dẫn đầu vào chung kết, năm này đã xuất hiện trở lại thể thức bán kết. Nhờ vậy, các trận vòng bảng diễn ra hấp dẫn, cống hiến hơn. Như bảng A của Pháp, 4 trong tổng số 6 trận xuất hiện tới 5 bàn được ghi.
Người góp công vào những màn trình diễn bùng nổ ấy chính là Michel Platini. Trận khai mạc giải đấu có sự góp mặt của Pháp và Đan Mạch. Hai bên đã duy trì thế trận rất chặt chẽ cho đến khi Michel Platini bùng nổ với pha lập công phút 78 giúp đội chủ nhà giành chiến thắng 1-0.
Tới trận thứ 2, huyền thoại người Pháp ghi 3 bàn giúp đội chủ nhà thắng Bỉ 5-0. Trận cuối, ông tiếp tục bùng nổ với hat-trick thứ 2. Cả 3 bàn của Platini đã mang về thắng lợi 3-2 cho Pháp, định đoạt ngôi đầu cùng tấm vé vào bán kết.
Với 7 bàn sau 3 trận, cho đến nay Platini vẫn là người ghi bàn tốt nhất ở vòng bảng một kỳ EURO. Thậm chí, số bàn thắng mà ông ghi được tại vòng bảng còn nhiều hơn tất cả những vua phá lưới sau này. Người ghi bàn tốt nhất sau Platini là Antoine Griezmann. Nhưng ở VCK EURO 2016, cả giải anh đá 6 trận chỉ có 6 bàn, trong khi Platini chỉ cần 3 trận đã cán mốc 7 bàn.
Đối diện với một Pháp đá như lên đồng ở bảng A là những Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha “hạn hán” bàn thắng. Cả hai đội này đi tiếp mà không đội nào ghi được hơn 1 bàn/trận. Tây Ban Nha dẫn đầu bảng với 3 bàn sau 3 trận còn Bồ Đào Nha là 2 lần làm tung lưới đối phương.
Nhưng vào bán kết gặp Pháp, họ đã khiến đội chủ nhà trầy da tróc vẩy. Cuộc gặp gỡ này được coi là một trong những trận đấu hay nhất lịch sử EURO. Jean-François Domergue mở tỷ số cho Pháp nhưng Bồ Đào Nha gỡ hòa nhờ công của Rui Jordao ở phút 74.
Trận đấu bước sang hiệp phụ và Jordao lập cú đúp ở phút 98 để giúp người Bồ Đào Nha vượt lên dẫn trước. Nhưng người Pháp vùng lên. Domergue gỡ hòa khi còn 6 phút và ở những giây cuối cùng, Platini đã ghi bàn thắng thứ 8 từ đầu giải, bàn thắng quan trọng nhất của ông từ đầu chiến dịch để giúp Pháp giành chiến thắng 3-2.
Trận chung kết, chủ nhà Pháp đối đầu Tây Ban Nha. Lần này, với kế sách hiệu quả hơn, họ đã chủ động hơn. Pháp ép đối thủ và dẫn bàn trong hiệp 1 nhờ công Platini. Ngay cả khi mất người với tấm thẻ đỏ của Yvon Le Roux, chủ nhà vẫn bình tĩnh kiểm soát cuộc chơi.
Bàn thắng của Bruno Bellone ở phút bù giờ đã ấn định chiến thắng chung cuộc 2-0. Pháp giành được chức vô địch đầu tiên trong lịch sử, một chức vô địch không có gì chê trách về cả chuyên môn lẫn khâu tổ chức của chủ nhà.
Đây cũng chính là giải đấu tiếp tục đưa Platini lên đỉnh cao muôn trượng. Trong năm 1984, Platini đã giành Quả bóng vàng. Ông tiếp tục giành danh hiệu này một lần nữa vào năm 1985 để tạo nên cú hat-trick vô tiền khoáng hậu, với 3 QBV liên tiếp (1983, 1984 và 1985). Mãi sau này, Messi mới tái lập được kỳ tích của Platini.
EURO 1984
Chủ nhà: Pháp
Vô địch: Pháp
Á quân: Tây Ban Nha
Vua phá lưới: Michael Platini (Pháp) - 9 bàn
Số đội tham dự: 8
Số trận đấu: 15
Bàn thắng: 41 (2,73 bàn/trận)
Những cột mốc đáng nhớ của EURO 1984
• Tính từ 1980 tới nay, Pháp vẫn là chủ nhà duy nhất vô địch EURO. 5 đội chủ nhà đã lọt vào bán kết, trong khi Bồ Đào Nha về đích ở vị trí á quân năm 2004.
• Pháp vô địch EURO với thành tích toàn thắng. Trong năm 1984, họ thi đấu tổng cộng 12 trận đấu quốc tế và thắng mọi trận đấu.
• Tây Ban Nha lập kỷ lục ở vòng loại khi trở thành đội đầu tiên ghi tới 12 bàn trong một trận đấu. Nhờ vậy, họ vượt qua Hà Lan để giành quyền vào VCK 1984 nhờ số bàn thắng ghi được.
• Platini giữ kỷ lục cầu thủ ghi bàn tốt nhất một VCK, với 9 lần phá lưới đối thủ. Cho đến nay, vua phá lưới tốt nhất cũng chỉ có 6 bàn, chỉ bằng 2/3 so với Platini.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/euro-1984-su-thong-tri-cua-nguoi-phap-post1643062.tpo