EV71 gây bệnh tay chân miệng nguy hiểm thế nào?
So với cùng kỳ 2022, tỷ lệ bệnh tay chân miệng không tăng, tuy nhiên, có 4 trường hợp tử vong tức là tỷ lệ bệnh nặng rất cao. Bên cạnh đó, tác nhân gây bệnh là chủng virus EV71, là sự báo động đối với mùa dịch năm nay.
Trẻ em có thể lây bệnh từ rất nhiều nguồn
Chị Nguyễn Thị Minh ở Mỹ Đình, Hà Nội đứng ngồi không yên vì cậu con trai 2 tuổi có chỉ định nhập viện theo dõi tay chân miệng. Cả nhà hoang mang vì không hiểu con lây bệnh từ đâu.
“Em sát khuẩn cho con rất kỹ, cháu cũng chỉ ở nhà với mẹ nhưng không hiểu lây bệnh từ đâu” – chị Minh cho biết.
Trước đó, chị Minh phát hiện con trai có 1-2 hạt bóng nước ở trong miệng, nhưng nghĩ do thời tiết, con nóng trong người và bị nhiệt.
Sau đó con bắt đầu sốt, gia đình đưa con đến một phòng khám gần nhà. Tại đây, cháu được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng nhẹ nên uống thuốc và theo dõi tại nhà. Đêm hôm đó bé sốt cao, người nóng nhưng tay chân lạnh... “Cháu sốt ghê lắm nên em rất sợ vì thấy đang có dịch tay chân miệng” - chị Minh lo lắng.
Theo như quan niệm khi các con đi lớp mới có thể lây nhiễm từ các bạn. Thế nhưng chúng ta là người lớn vẫn có thể mang virus EV71 nhưng không thể hiện triệu chứng như các bạn nhỏ.
Thứ 2, virus EV71 có thể tồn tại bên ngoài môi trường ít nhất là 3 ngày, tồn tại ở đồ chơi, những khu công cộng. Nếu sát khuẩn bề ngoài không tốt thì các vật dụng xung quanh trẻ sẽ là những yếu tố lây bệnh mà chúng ta không kiểm soát được hết - Ths.BS Lê Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai phân tích.
Đến thời điểm này, toàn khu vực phía Nam ghi nhận hơn 9.000 ca mắc tay chân miệng. Trong đó, 4 ca tử vong do mắc tay chân miệng độ 4 và dương tính với EV71. 20% - 30% trường hợp điều trị tại BV Nhi Trung ương là nhiễm chủng virus EV71.
So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ bệnh tay chân miệng không tăng lên và trong 5 năm gần đây tỉ lệ bệnh cũng không tăng lên, tuy nhiên có 4 trường hợp tử vong tức là tỷ lệ bệnh nặng rất cao. Bên cạnh đó, giám sát về y tế thì tác nhân của năm 2023 đã ghi nhận đó là chủng virus EV71. Với tiên lượng của EV71 thì đây là sự báo động đối với mùa dịch năm nay - Ths.BS Lê Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định.
“Nguyên nhân gây bệnh năm nay đã xác định là EV71, số ca chuyển nặng cũng là báo động để cho chúng ta có dự phòng, chẩn đoán và điều trị, cũng như theo dõi sát bệnh nhân để phát hiện sớm cũng như công tác chuẩn bị thuốc hay cơ sở vật chất để cấp cứu những trường hợp nặng” – BS Lan Anh nói.
Chủng virus EV71 gây bệnh nặng
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi một nhóm virus trong đường ruột, hay gặp nhất Entero virus và Coxsackie. Nhóm này có nhiều chủng nhỏ khác nhau như Coxsackie 16, Enterovirus 71... Với đặc điểm về sinh học phân tử thì mỗi một chủng sẽ gây ra một đặc điểm bệnh lý, đặc điểm về dịch và mức độ nặng khác nhau và tấn công vào các cơ quan khác nhau trong hệ cơ quan.
Nếu Coxsackie 16 là bệnh ở thể nhẹ, có thể phục hồi sau 7-10 ngày mắc bệnh. Thì “EV71 vẫn là cái đáng ngại nhất của nhân viên y tế” – BS Lan Anh chia sẻ.
Ngoài những biểu hiện ngoài da, ở miệng thì EV71 tấn công vào thần kinh trung ương gây tình trạng viêm não, viêm thần kinh Trung ương, viêm não màng não. EV 71 tấn công vào những tế bào cơ tim, hệ tuần hoàn để gây ra tình trạng suy tim hoặc sốc tim – đấy là tình trạng nặng nhất và có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Lý giải nguyên nhân dịch tay chân miệng bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, BS Lan Anh cho biết, về mặt dịch tễ, ở phía Bắc, nhóm virus gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie 16. Trong khi đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng các tỉnh phía Nam là yếu tố khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn, ngoài ra virus phân lập ở địa bàn thường là EV71, chỉ khác type gây bệnh theo từng năm. "Các tỉnh phía Nam mật độ dân cư đông đúc, kênh rạch nhiều, độ ẩm cao, độ nóng cao thì đấy là những yếu tố làm gia tăng ca mắc và chuyển nặng".
Lưu ý các triệu chứng đề phòng bệnh chuyển nặng
Virus EV71 chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với dịch mũi hoặc họng của người bệnh, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân. Bệnh dễ lây lan trong giai đoạn cấp tính. Thời gian ủ bệnh thường từ 3-10 ngày.
Hiện, chúng ta chưa có miễn dịch đặc hiệu với virus gây bệnh tay chân miệng. Bệnh phần lớn được theo dõi tại nhà, cách ly, không tham gia các hoạt động nhóm. Các triệu chứng sốt, phát ban và loét thường giảm dần sau một tuần.
“Công việc của chúng ta vẫn là y học dự phòng. Tại cơ sở y tế, chúng tôi thường cách ly theo nhóm bệnh. Còn tại cộng đồng, lớp học thì khuyến cáo trẻ mắc bệnh ở nhà để tránh lây cho các bạn khác, đồ chơi vệ sinh, đảm bảo đồ chơi con tiếp xúc sát khuẩn tối đa” - Ths.Bs Lê Thị Lan Anh, PGĐ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn.
Tuy nhiên, Bs Lan Anh lưu ý bố mẹ theo dõi sát các triệu chứng sau của con: Sốt cao dai dẳng, nôn nhiều lần, buồn ngủ nhiều hoặc ngủ li bì, co giật hoặc yếu chân tay đột ngột.
Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau:
Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt
Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ,….
Giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút)
Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân
Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….
Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Một lưu ý nữa là không phải tất cả các trường hợp nhiễm virus EV71 đều có nguy cơ chuyển nặng, các gia đình nên bình tĩnh, theo dõi sát các triệu chứng. Việc yêu cầu nhập viện điều trị tay chân miệng khi chưa có chỉ định sẽ tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/ev71-gay-benh-tay-chan-mieng-nguy-hiem-the-nao-post1029842.vov