EVFTA: 'Chất xúc tác' giúp xuất khẩu sang EU tăng trưởng tích cực
Theo đại diện Bộ Công Thương, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nhưng được Việt Nam tận dụng cơ hội tốt hơn nhiều so với các FTA khác khi có hiệu lực.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) sau 2 năm thực thi (từ ngày 1/8/2020) đã có sức lan tỏa mạnh mẽ tới hoạt động kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các đối tác.
Trong hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và 27 quốc gia thành viên EU đã khai thác có hiệu quả các ưu đãi từ hiệp định này, nhất là các nhóm ngành hàng, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam...
Hiệu ứng tích cực
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU tăng 15 % so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận mức xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng gần 40%
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU ghi nhận sự tăng trưởng tốt, khi kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong Khối đạt mức tăng trưởng 2 con số…
Theo đánh giá, nông lâm thủy sản là các mặt hàng được hưởng ưu đãi lớn từ Hiệp định EVFTA đã ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó, càphê, thủy sản, tiêu, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đà phục hồi và tăng rất ấn tượng.
Đơn cử, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (bao gồm càphê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.
Đánh giá từ cơ quan chức năng cho thấy, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Trong 6 tháng năm 2022, các ngành hàng có tỷ lệ sử dụng mẫu C/O EVFTA cao, gồm: gạo, thủy sản, rau quả, chè, giày dép, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc...
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin năm đầu tiên, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định EVFTA đạt 14,8% và tăng vọt lên mức 20,7% vào năm thực thi hiệp định này, trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tỷ lệ sử dụng C/O cao như thủy sản là 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%, hàng dệt may 15,17%...
Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng C/O theo Hiệp định EVFTA đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta vào năm thứ hai đều tăng so với năm đầu thực thi. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã từng bước tận dụng hiệu quả các cam kết về thuế quan của Hiệp định EVFTA…
Có thể nói, với "chất xúc tác" từ EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng rất tích cực. Các chuyên gia kinh tế dự báo, trên đà tăng trưởng năm 2021, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia. Các ngành sản xuất như nông sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhìn nhận EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nhưng được Việt Nam tận dụng cơ hội tốt hơn nhiều so với các FTA khác khi có hiệu lực.
Theo ông, một trong những chỉ số thể hiện tích cực đó là tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam thông qua giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mà doanh nghiệp cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa của chúng ta đi vào EU.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đã có tốc độ tăng rất mạnh, lên đến trên 32% và với tỷ lệ này thì khoảng 1/4 hàng xuất khẩu của chúng ta hiện nay sang EU đã được nhận được một số hình thức ưu đãi nhất định theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam EU.
“Đây cũng là một trong những tỷ lệ rất là khá, cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà Việt Nam đạt được trong Hiệp định CPTPP…,” ông Lương Hoàng Thái nói.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, với EVFTA, công tác đẩy mạnh cải cách thể chế rất rõ ràng.
Theo đó, chỉ sau có vài ngày Hiệp định có hiệu lực, Chính phủ đã tổ chức ngay một Hội nghị toàn quốc để triển khai Hiệp định và đã tập trung bàn về những câu chuyện cụ thể của Việt Nam.
“Ví dụ như câu chuyện cải cách thể chế thế nào. Thứ hai là nâng cao và khắc phục được những câu chuyện về cơ sở hạ tầng ra làm sao và cuối cùng là giải quyết bài toán nhân lực để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp… chúng ta cũng đã có những hoạt động để thúc đẩy công tác này,” đại diện VCCI cho hay.
- Cán cân thương mại của Việt Nam nửa đầu năm:
Với hiệp định này, EU cam kết xóa bỏ ngay khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn sau 7 năm.
Bộ Công Thương đã chỉ ra 10 ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường EU và có cơ hội lớn khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, bao gồm: lĩnh vực điện tử; nhóm nông sản thực phẩm, có 6 ngành hàng: Thủy sản, Trái cây tươi, Càphê, hạt Điều, hồ Tiêu, Cao su); Nhóm công nghiệp chế biến có 3 ngành hàng: Dệt may, Da giày, đồ Gỗ…
Theo chuyên gia nông nghiệp, tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp định EVFTA đã giúp Việt Nam mở ra được cơ hội sản xuất-xuất khẩu sang thị trường mới có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, nhờ đó chúng ta đã có được kỷ lục mới-kim ngạch xuất khẩu nông sản vượt 48,6 tỷ USD trong năm 2021 và trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để có thể tham gia sâu vào thị trường này, trong đó riêng lĩnh vực nông nghiệp cần áp dụng thêm khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng đáp ứng các hàng rào kỹ thuật và yêu cầu khác nhau của các thị trường..
“THiệp định thương mại này sắp tới mới thực sự phát huy hết tác dụng - cùng lúc mà nhiều nước cũng quan tâm hơn đến chất lượng, quan tâm hơn đến vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường thì có thể nói là cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới sẽ thay đổi một cách căn bản, theo tín hiệu của thị trường…,” tiến sỹ Đặng Kim Sơn nói.
Còn theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương), EU và Việt Nam là những thị trường mang tính bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp.
Tuy nhiên, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với nhiều đối thủ về giá - mặc dù nhiều mặt hàng của Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan (về 0%) khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đó là vấn đề cần phải sớm tháo gỡ.
Lấy ví dụ sản phẩm tôm, dù được hưởng lợi thế từ EVFTA với thuế 0%, nhưng so với tôm của Ecuado, Ấn Độ…thì Việt Nam vẫn còn cao hơn. Lý do là chi phí logistics cao, cộng lại vào giá thành, dẫn đến việc dù được hưởng lợi thế từ FTA nhưng về giá vẫn cao hơn. Điều đó khiến chúng ta chưa thể mở rộng ngay thị phần, mặc dù dư địa là rất lớn…
Nhìn về tổng thể, hai năm sau khi thực thi Hiệp định đã đem lại nhiều kết quả nổi bật và kết quả đó cũng là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-EU trong thời gian tới.
Về phía Bộ Công Thương, các đơn vị chức năng của bộ đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tạo đà cho việc thực thi các FTA đạt hiệu quả cao nhất./.