EVFTA – Động lực cải cách thể chế và định hướng phát triển xanh

Với quy mô dân số hơn 100 triệu người và đang thực thi 17 hiệp định FTA, Việt Nam có nhu cầu lớn về vật tư, nguyên liệu đầu vào và phát triển hệ thống logistics phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác, hướng đến mô hình sản xuất xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU tăng cao.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU tăng cao.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, bên cạnh lợi thế về thuế quan, EVFTA còn là “đòn bẩy” quan trọng thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Những quy định ràng buộc trong Hiệp định đã góp phần thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý chất lượng, minh bạch hóa thủ tục và định hướng sản xuất theo chuẩn mực quốc tế. Đây chính là nền tảng để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong dài hạn.

Tận dụng EVFTA – Nhiều thị trường ghi nhận mức tăng đột phá

Một số thị trường cụ thể đã cho thấy khả năng tận dụng hiệu quả EVFTA của doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử như Bồ Đào Nha – thị trường nhỏ nhưng giàu tiềm năng, năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang nước này tăng tới 353% so với năm trước. Đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong quý I/2025 với mức tăng 313%, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp cá ngoài khối EU lớn thứ hai, chỉ sau Ecuador và vượt qua Trung Quốc.

Tại Hungary, tuy quy mô thị trường không lớn, nhưng trong 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 360,09 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 269,98 triệu USD (tăng 8,5%), còn nhập khẩu đạt 90,11 triệu USD (tăng 12,4%).

EU luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, không chỉ về thương mại mà còn trong đầu tư, khoa học công nghệ và phát triển bền vững. Với nền tảng tích cực sau 5 năm thực thi EVFTA, ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tận dụng tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định mang lại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế của hàng Việt trên thị trường toàn cầu.

EVFTA – Đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU

Theo số liệu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực sang Hungary, bao gồm cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo. Trong đó, cà phê đạt kim ngạch 6,5 triệu USD, chiếm khoảng 10% tổng nhập khẩu cà phê của Hungary. Hạt điều đạt 2,6 triệu USD, tương đương 32% thị phần. Hạt tiêu đạt 0,33 triệu USD (5,2%), còn gạo đạt 1.982 tấn, trị giá 1,95 triệu USD, chiếm khoảng 3,8% tổng nhập khẩu mặt hàng này tại quốc gia Trung Âu này.

Tại Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và triển vọng” tổ chức tại Bỉ vào tháng 6/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Những lợi ích do EVFTA mang lại đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục nằm trong nhóm 4 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.”

Việc triển khai hiệu quả EVFTA đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường EU, đồng thời tăng khả năng ứng phó với những biến động kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam và EU cùng đạt được lợi ích bền vững và lâu dài trong hợp tác thương mại nông nghiệp.

Chia sẻ thêm về tiềm năng xuất khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có khả năng mở rộng thị phần tại EU trong thời gian tới. Cụ thể là: thủy sản chế biến có giá trị gia tăng, cà phê chế biến, rau quả tươi và chế biến, hạt điều, đồ gỗ, cao su, hạt tiêu và các loại gia vị đặc sản.

Ngoài ra, với quy mô dân số hơn 100 triệu người và đang thực thi 17 hiệp định FTA, Việt Nam có nhu cầu lớn về vật tư, nguyên liệu đầu vào và phát triển hệ thống logistics phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cung ứng công nghệ, đầu tư thiết bị chế biến, hướng đến mô hình sản xuất xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ thúc đẩy thương mại song phương, EVFTA còn được kỳ vọng là chất xúc tác để tăng cường đầu tư của doanh nghiệp EU vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp trong nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Tận dụng EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU

Sau 5 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), quan hệ kinh tế giữa hai bên đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong cả thương mại và đầu tư. Từ các mặt hàng như cá hồi, dừa, xoài cho đến điện tử và thiết bị công nghệ cao, hàng hóa Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế tại thị trường EU. Đồng thời, Việt Nam cũng dần trở thành điểm đến chiến lược của doanh nghiệp châu Âu khi mở rộng sản xuất và tiếp cận thị trường châu Á.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để tận dụng tốt hơn EVFTA và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang EU, Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường đối với những mặt hàng có lợi thế chiến lược, dựa trên các cam kết cắt giảm thuế quan trong hiệp định. “Đây sẽ là giải pháp quan trọng giúp cải thiện thương mại song phương, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu tích cực, đồng thời hỗ trợ Việt Nam củng cố vị thế trong các chuỗi giá trị toàn cầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Không chỉ tạo động lực cho xuất khẩu, EVFTA còn mở ra cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU vào ngành nông nghiệp Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật, môi trường của thị trường châu Âu.

Hiện tại, tổng vốn đăng ký đầu tư từ EU vào Việt Nam đã đạt trên 35 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và logistics. Một số dự án tiêu biểu như Lego (1 tỷ USD), Bosch (340 triệu USD), BW Industrial (100 triệu USD) cho thấy tiềm năng hợp tác sâu rộng giữa hai bên.

Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert, nhận định Việt Nam đang sở hữu những lợi thế hiếm có như vị trí địa chiến lược, trữ lượng đất hiếm lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và lực lượng lao động dồi dào. Đặc biệt, sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp là yếu tố then chốt giúp Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng và khả năng thích ứng trong bối cảnh biến động toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đã tăng từ 3,76 tỷ USD năm 2019 lên 5,437 tỷ USD năm 2024, tương đương mức tăng 42,95%. Tính chung giai đoạn 2019 – 2024, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8,3%. Đây là kết quả trực tiếp từ những ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại cho hàng hóa Việt Nam khi tiếp cận thị trường EU.

Trần Sơn

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/evfta--dong-luc-cai-cach-the-che-va-dinh-huong-phat-trien-xanh-84749.html