Tăng trưởng GDP 2025 trên 8%: Nền tảng tốt để hướng tới tăng trưởng hai chữ số

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8,3 - 8,5% không chỉ thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ mà còn phản ánh niềm tin vào sức bật nội tại của nền kinh tế trong bối cảnh khu vực và toàn cầu vẫn còn nhiều biến động. Đây là tiền đề để tiến vào ngưỡng cửa của một chu kỳ tăng trưởng mới - mức hai chữ số trong những năm tới.

Tăng trưởng trên 8%: mục tiêu khả thi

Trong các phát biểu chỉ đạo điều hành tại một số hội nghị gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng tăng trưởng trên 8% (từ 8,3% - 8,5%) năm 2025 là hoàn toàn khả thi nếu phát huy đồng thời được các động lực truyền thống (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), cùng với đó là cải cách thể chế, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, tiêu dùng nội địa - một trong ba trụ cột của tăng trưởng - đã tăng 9,2%, cho thấy sức cầu đang phục hồi tốt, phản ánh niềm tin thị trường dần được củng cố trở lại. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây. Đây là lực đẩy then chốt để lan tỏa sang đầu tư tư nhân và tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo xung lực và nền tảng cho tăng trưởng năm nay và những năm tiếp theo. Trong khi công nghiệp và dịch vụ là hai khu vực đóng góp chính cho tăng trưởng, nông nghiệp vẫn giữ vai trò trụ đỡ trong bối cảnh rủi ro địa chính trị và biến động thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, nền tảng trong nước khá vững không đồng nghĩa với việc có thể chủ quan trước các rủi ro bên ngoài. Báo cáo Triển vọng cập nhật kinh tế châu Á tháng 7/2025 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến ở mức 6,3% vào năm 2025 và 6,0% vào năm 2026, do lo ngại xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ và môi trường thương mại toàn cầu suy yếu. Dù vậy, ADB vẫn nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Tương tự, một số báo cáo gần đây của các tổ chức quốc tế khác cũng đánh giá cao khả năng kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Các tổ chức tài chính quốc tế cho rằng, nước ta có điều kiện thuận lợi để phục hồi nhanh hơn nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, dù cũng chịu những tác động bên ngoài ngắn hạn.

Từ góc nhìn trong nước, các chuyên gia như TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định, các điều kiện để tăng tốc là có, nhất là khi cải cách thể chế, nâng cao năng suất và đổi mới mô hình tăng trưởng đang được tập trung thúc đẩy. Theo các chuyên gia, tăng trưởng cao cũng sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng chuyển đổi sang kinh tế xanh, số hóa sâu rộng và nâng tầm khu vực tư nhân. Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng cần được nâng lên thông qua thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo đó, Kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Với Kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%), Bộ ước tính tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6-0,9%); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn kịch bản 0,7-1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.

Xây dựng các ngành mũi nhọn tăng hàm lượng công nghệ

Thị trường trong nước khoảng 100 triệu dân là một lợi thế chiến lược trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động. Với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và mức sống được cải thiện, tiêu dùng hộ gia đình tăng trưởng mạnh đang tạo động lực cho khu vực bán lẻ, dịch vụ và du lịch. Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và chuỗi cung ứng chiến lược. Theo khảo sát BCI quý II/2025 của EuroCham, hơn 60% doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam coi đây là điểm đến đầu tư chiến lược dài hạn, cho thấy niềm tin vào triển vọng thị trường.

Các doanh nghiệp trong nước cũng đang thích nghi nhanh chóng với các yêu cầu xanh hóa, chuyển đổi số và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ đang phục hồi tích cực. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước có những tín hiệu tích cực, với số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng và mức độ mở rộng sản xuất, đầu tư được cải thiện, bước đầu phản ánh kết quả trực tiếp từ việc triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa còn tương đối rộng (an toàn dưới trần nợ công) cho phép tiếp tục triển khai các công cụ tài khóa mà không gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách. Việc Chính phủ kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT là một ví dụ điển hình. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành theo hướng linh hoạt, chủ động và thận trọng. Mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi tỷ giá được điều tiết ổn định, phù hợp với áp lực bên ngoài.

Nhưng xét cho cùng, thể chế chính là trụ đỡ quyết định để bảo đảm cho các động lực tăng trưởng được phát huy trọn vẹn. Trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt cải cách thể chế đã được đẩy mạnh theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Việc thông qua các luật và ban hành rất nhiều nghị quyết liên quan đã giúp hình thành khung khổ nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ nguyên tắc điều hành là phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ thẩm quyền. Đây không chỉ là khẩu hiệu hành động mà là yêu cầu kỷ luật công vụ trong bối cảnh nền kinh tế đang cần những bước tăng tốc mạnh mẽ. Theo các chuyên gia, những cải cách này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả điều hành mà còn là “bệ phóng” để chuyển đổi mô hình tăng trưởng và bứt phá về tăng trưởng, năng suất trong trung hạn.

Việt Nam đã có đủ cơ sở để bước vào giai đoạn phát triển tăng tốc, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển vào năm 2045. Nhưng để hiện thực hóa các mục tiêu đó, nền kinh tế phải có bước chuyển mạnh mẽ từ năm 2025, bắt đầu bằng việc chinh phục mốc tăng trưởng 8,3% - 8,5%. Việc duy trì tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 không chỉ củng cố niềm tin thị trường mà còn tạo nền tảng, bàn đạp cho kế hoạch 5 năm tiếp theo 2026 - 2030. Yêu cầu cấp thiết phải chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kinh tế xanh - tuần hoàn cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải xây dựng các ngành mũi nhọn mới, tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, dịch vụ.

Các chuyên gia đồng thuận rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đẩy nhanh chuyển đổi mô hình phát triển, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao và tiến tới nhóm nước thu nhập cao. Tuy nhiên, điều kiện cần là phải tiếp tục các cải cách mạnh mẽ ba trụ cột thể chế - hạ tầng - nguồn nhân lực. Những cải cách này không chỉ tạo dư địa tăng trưởng ngắn hạn mà còn là nền tảng cho các bước tiến bền vững về dài hạn.

Đỗ Phạm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-gdp-2025-tren-8-nen-tang-tot-de-huong-toi-tang-truong-hai-chu-so-167830.html