EVFTA và IPA: Cơ hội nào cho doanh nghiệp?

Sáng 1/7, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phái Đoàn châu Âu tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm ''Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU): Cơ hội cho doanh nghiệp''.

Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm. (Ảnh: Đinh Tùng)

Buổi tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmström, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hai hiệp định EVFTA và IPA là cơ hội để Việt Nam phát huy thế mạnh và tiềm năng của mình. Mục tiêu của Việt Nam là tìm kiếm và hướng tới những cơ hội mới thông qua trao đổi công khai, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, ngoài thương mại, kinh tế, EVFTA còn lan tỏa tất cả các lĩnh vực khác của Việt Nam cũng như của tất cả các thành viên EU.

Nói thêm về EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam là đối tác có trình độ thấp nhất mà EU từng ký hiệp định tự do thương mại. Từ đó, càng thể hiện rõ sự quyết tâm và nghiêm túc của Việt Nam trong vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, EVFTA là hiệp định tốt và đầy tham vọng. (Ảnh: Đinh Tùng)

''EVFTA là hiệp định tốt và đầy tham vọng mà EU đã ký kết với Việt Nam. Hiệp định sẽ tạo ra môi trường thuận lợi và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0", ông Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, trong thời gian tới, cả hai phía sẽ có chương trình hành động cụ thể để giám sát, triển khai đầy đủ, kịp thời, tăng cường năng lực, thể chế, tạo nền tảng quan trọng để thực thi hiệp định thành công.

Cũng tại buổi tọa đàm, Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmström bày tỏ sự hoan nghênh với việc hai hiệp định EVFTA và IPA được ký kết tại Việt Nam. Bà Cecilia Malmström cho biết, đây là cột mốc quan trọng giữa hai bên và cả 2 đang đứng trước những cơ hội lớn. Cơ hội có thể nhìn rõ nhất là việc xóa mức thuế quan đối với 99% mặt hàng, 1% còn lại dần gỡ bỏ qua hạn ngạch thuế quan.

Song, Cao ủy Thương mại của EU cũng nhận thấy, các doanh nghiệp cả hai phía sẽ gặp phải một số khó khăn ban đầu, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ. Để khai thác hiệu quả hai hiệp định, các doanh nghiệp của EU và Việt Nam cần phải tập trung, chủ động nghiên cứu về thị trường đối tác. Bên cạnh đó, cả hai phía cần phải giảm thủ tục hành chính, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với những cơ hội mới.

Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmström bày tỏ sự hoan nghênh với việc hai hiệp định EVFTA và IPA được ký kết tại Việt Nam. . (Ảnh: Đinh Tùng)

Nói thêm về hai hiệp định vừa được ký kết, Cao ủy Thương mại Cecilia Malmstrom cho rằng, đây là hiệp định bảo vệ quyền của doanh nghiệp, cư dân của các nước thành viên. EVFTA và IPA là những hiệp định hiện đại, toàn diện, tham vọng, phù hợp trong thế kỷ 21, mang lại lợi ích cho người dân cả hai phía.

''EU luôn mong muốn trở thành nhà đầu tư lớn hơn nữa tại thị trường Việt Nam. Hiệp định EVFTA sẽ thay thế cho 21 hiệp định song phương Việt Nam có với các nước châu Âu, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp thuộc khối này, hướng họ đầu tư mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế 95 triệu dân'', bà Cecilia Malmstrom bày tỏ.

Đối với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, việc ký kết hiệp định EVFTA sẽ bảo đảm những nguyên tắc về tự do và công bằng thương mại. Bên cạnh đó, hai bên còn có tầm nhìn chung về phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hai Hiệp định EVFTA và IPA sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách thứ 2 ở Việt Nam. Đây sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên, góp sức vào việc xây dựng thể chế nước nhà.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Đinh Tùng)

“Thời điểm hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 65% lao động là nông dân, đang có thu nhập trung bình chưa đầy 1.000 Eur/năm. Hiệp định thương mại EVFTA sẽ mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục triệu lao động. Hiệp định thương mại EVFTA không chỉ mang lại lợi ích cho hàng chục triệu doanh nghiệp mà còn mang lợi ích với hàng trăm triệu người dân”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đang hướng tới một thế hệ FDI mới chất lượng hơn, có công nghệ cao hơn, thân thiện với môi trường hơn. Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp EU thực hiện điều này.

Từ đó, Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp công nghiệp của EU sẽ trở thành những người hợp tác tốt nhất với Việt Nam trong kỷ nguyên số. ‘‘Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất mong mỏi sẽ có nhiều mô hình hợp tác tốt nhất giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, để EVFTA trở thành một cầu nối tốt nhất cho sự phát triển của cả hai bên. Nếu EU thành công trong việc hợp tác với Việt Nam ở khuôn khổ EVFTA, EU sẽ thuyết phục được cả thế giới’’, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Sau gần 10 năm đàm phán (từ tháng 10/2010), với 14 phiên chính thức, ngày 25/6 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép Việt Nam và EU ký Hiệp định EVFTA và IPA.

Chiều 30/6, tại Hà Nội, Hiệp định EVFTA và IPA giữa Việt Nam và EU đã được ký kết với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Linh Nguyễn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/evfta-va-ipa-co-hoi-nao-cho-doanh-nghiep-96798.html