EVN cam kết không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống
Tại cuộc gặp gỡ đầu xuân giữa Thường trực Chính phủ và các doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định ngành sẽ không để thiếu điện trong mọi tình huống.
Sáng 3-3, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiêu biểu.
Tại sự kiện, lãnh đạo một số DNNN hàng đầu đã đưa ra một số kế hoạch và cam kết cho năm 2024.
Viettel đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng để kết nối các vùng sâu vùng xa
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khẳng định để có tăng trưởng thì phải có đầu tư. Trong năm 2024, Viettel sẽ mạnh dạn đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực hạ tầng như hạ tầng giao thông, hạ tầng số… Năm 2024 sẽ là năm chuyển đổi lớn khi tháng 9 này sẽ tắt sóng 2G, chỉ có sóng 4G và 5G, Viettel sẽ triển khai 5G phủ sóng toàn quốc.
Ông Tào Đức Thắng chia sẻ, năm 2024 Viettel sẽ đầu tư gần 30.000 tỉ đồng để đẩy mạnh tần số bao gồm hệ thống kết nối đến các vùng sâu, vùng xa. Viettel sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn để các doanh nghiệp lớn như Amazon, Microsoft có thể đặt những trung tâm dữ liệu lớn.
Viettel cũng sẽ tập trung đẩy mạnh mảng công nghệ cao và mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về hành lang pháp lý, chính sách, hợp tác quốc tế để tập đoàn tiếp tục phát triển lớn mạnh, và có thêm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài lớn trong lĩnh vực này.
EVN cam kết không để xảy ra thiếu điện
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chia sẻ năm 2023 với ngành năng lượng là năm có nhiều vấn đề khó lường toàn cầu, EVN cũng không phải ngoại lệ. Dù vậy EVN cũng đã có nhiều kết quả tích cực.
Khối lượng đầu tư của EVN đạt 90.997 tỉ đồng, giải ngân được 87.545 tỉ đồng, cao nhất khối các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, khởi công 146 dự án, đóng điện hoàn thành 163 dự án cấp điện áp 110-600kV. Chỉ tiêu tổn thất điện năng, chỉ số tiếp cận điện năng, độ tin cậy cấp điện cho khách hàng nằm trong TOP 4 ASEAN.
Chuyển đổi số và tự động hóa của EVN có nhiều kết quả tích cực: 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, có 96,3% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, 97% (967/996) số trạm biến áp 110-220kV được tự động hóa hoàn toàn, vận hành không người trực (riêng 110kV là 100%).
EVN cấp điện cho 11/12 huyện đảo, bao gồm cả huyện đảo Trường Sa. 99,74 số hộ dân cả nước, 99,6% số hộ dân nông thôn đã được sử dụng. 94,5% số xã (7745/8197 xã) đạt tiêu chí số 4 trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Tập đoàn và các đơn vị nộp ngân sách Nhà nước 21.000 tỉ đồng.
Mặc dù vậy, theo ông Đặng Hoàng An, EVN thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023 cũng có nhiều khó khăn, trong đó đã để xảy ra thiếu điện tháng 5, đầu tháng 6, dù chỉ 2-3 ngày tại miền Bắc nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Năm 2024, EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị chủ chốt như đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6.5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. EVN đã chuẩn bị kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9,18% hoặc cao hơn), sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỉ kWh (tăng 26 tỉ kWh so với năm 2023).
EVN sẽ đẩy nhanh, tăng tốc các công trình đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện: Dự án thủy điện Yaly mở rộng – 360MW (vận hành tháng 6-2024), Hòa Bình mở rộng – 480 MW (6-2025), Quảng Trạch 1 (1403 MW), dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) kịp đóng điện trước 30-6-20244 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,...
Petrolimex đề nghị sớm ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu
Theo ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), năm 2024 được dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn.
Để thị trường xăng dầu Việt Nam tiếp tục phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả hơn nữa, Petrolimex đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành mới Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định số 83, 95, 80 theo hướng nâng cao chất lượng của các đầu mối kinh doanh xăng dầu như nâng điều kiện làm thương nhân phân phối về kho cảng, doanh nghiệp chủ động nhất định về vật chất, kỹ thuật, tài chính…
Cơ quan quản lý cần quyết liệt triển khai áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo Nghị định 123 trong hoạt động bán lẻ xăng dầu; tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện kết nối trực tiếp dữ liệu từ các kho xăng dầu, cột bơm xăng dầu đến cơ quan hải quan, thuế; xác định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Đặc biệt, Petrolimex kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch.