EVN lo nguy cơ thất thu cả triệu USD khi bán điện sang Lào
Trước đề xuất bù trừ sản lượng mua và bán với các chủ đầu tư tại Lào, EVN nói vẫn chưa có căn cứ pháp lý và lo ngại sẽ bị thất thu cả triệu USD nếu được áp dụng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực về chủ trương bán điện cho các nhà máy trong cụm nhà máy thủy điện (NMTĐ) Nậm Mô, Nậm Kông và Nậm E-moun tại Lào.
Đây là các nhà máy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện về Việt Nam. Trên cơ sở đó, EVN đã ký 7 hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các chủ đầu tư thuộc các cụm nhà máy thủy điện trên.
Trong quá trình đầu tư, các nhà máy tại Lào phát sinh nhu cầu mua điện từ EVN để thử nghiệm và khởi động (do nhà máy chỉ đấu nối vào lưới điện Việt Nam), ngoài ra một số nhà máy cần điện để xây dựng khi không có nguồn từ lưới điện địa phương.
Việc phát sinh sản lượng điện truyền tải từ Việt Nam sang Lào là không thể tránh khỏi. Do đó, EVN lo ngại nếu không cụ thể hóa giao dịch điện năng này thành các hợp đồng cụ thể thì sẽ bị thất thoát điện năng và doanh thu, đồng thời có nguy cơ vi phạm các quy định về kê khai thuế hải quan cho hàng hóa xuất khẩu.
“Hiện tại EVN vẫn tiếp tục ghi nhận sản lượng điện chiều từ Việt Nam sang Lào, nhưng chưa có phương án xử lý đối với phần sản lượng điện này”, lãnh đạo tập đoàn nêu thực trạng và dẫn thêm số liệu điện tổn thất kỹ thuật của các tháng 5-6 là khoảng 50 MWh/tháng tại mỗi cụm nhà máy.
Cụ thể, theo số liệu vận hành giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7, sản lượng điện theo chiều từ Việt Nam sang Lào là 151,1 MWh cho cụm NMTĐ Nậm Kông và 161,5 MWh cho cụm NMTĐ Nậm Mô.
Công ty Mua bán điện (EPTC - đơn vị được ủy quyền đàm phán với chủ đầu tư tại Lào) có đề xuất phương án bù trừ sản lượng chiều giao và chiều nhận.
EPTC đã ký tắt với các chủ đầu tư dự thảo Hợp đồng mua điện với giá bán từ EVN sang cụm các nhà máy này là 11,2 Uscent/kWh, cao hơn giá EVN mua lại điện là 6,95 UScent/kWh, điều này sẽ gây ra chênh lệch về tiền nếu chấp nhận bù trừ sản lượng.
Theo EVN, nếu áp dụng đề xuất này (tính với giá điện bình quân bằng 6,95 UScent/kWh) thì EVN ước tính bị thất thu số tiền là 6.691 USD cho cụm NMTĐ Nậm Kông và 6.644 USD cho cụm NMTĐ Nậm Mô.
Như vậy, ước tính thất thu cả đời dự án 25 năm là khoảng 1,3 triệu USD cho hai cụm nhà máy. Đây là chưa kể tổn thất trong tương lai khi có thêm nhiều nhà máy khác đi vào vận hành.
Hiện mới có NMTĐ Nậm Kông 2, NMTĐ Nậm Kông 3 đã vận hành thương mại trong tháng 5 và các NMTĐ Nậm San 3A-3B vận hành thương mại từ tháng 6. Trong khi các cụm nhà máy khác như Nậm Sum - Nông Cống hay Moonson - Thạch Mỹ đang được đầu tư.
Lãnh đạo EVN nhận thấy chưa có đủ căn cứ pháp lý cho việc bù trừ sản lượng chiều mua và chiều bán cũng như việc thực hiện và đang tạm ghi nhận sản lượng chiều từ Việt Nam sang Lào trong thời gian chưa có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do vậy, tập đoàn đã có các văn bản báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương EVN bán điện để phục vụ thử nghiệm, khởi động và xây dựng cho các nhà máy thủy điện tại Lào.
Đồng thời, báo cáo Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực về những vướng mắc về cơ sở pháp lý khi chủ trương EVN bán điện chưa được phê duyệt và các bên chưa ký hợp đồng để thanh toán cho phần sản lượng này.
EVN đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về việc lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với sản lượng từ Việt Nam sang Lào và đã tạm lập hóa đơn GTGT tiền điện xuất khẩu theo giá bán điện tạm tính trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Tập đoàn đề nghị Bộ Công Thương cho phép tiếp tục ghi nhận sản lượng điện đo đếm từ Việt Nam sang Lào và sẽ thanh quyết toán tiền điện sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cho phép EVN bán điện cho các nhà máy tại Lào.
Đối với các nhà máy điện khác tại Lào, EVN sẽ tiếp tục làm việc với chủ đầu tư để xem xét nhu cầu mua điện từ EVN và sẽ báo cáo Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương bán điện trong thời gian tới.
Hiện Việt Nam có các đường dây 220 kV liên kết với Lào và 110 kV với Trung Quốc. Tổng công suất nhập điện từ Lào đến 2025 tối thiểu 3.000 MW và đến 2030 là 5.000 MW, theo cam kết giữa hai chính phủ. Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án, cụm dự án của Lào, với tổng công suất 2.689 MW.
Trong buổi họp báo cuối tháng 5, đại diện Bộ Công Thương cho biết giá điện nhập khẩu thường thấp hơn mua trong nước. Với Lào chủ yếu là nguồn thủy điện và giá mua điện từ quốc gia này là khoảng 6,9 UScent một kWh (tương đương 1.632 đồng một kWh).