EVN nói sẽ hạn chế tối đa việc ghi nhầm hóa đơn từ hôm nay
Với quy trình kiểm soát công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện mới, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định từ 1/7, sẽ đảm bảo hạn chế tối đa sai sót như ghi chỉ số tiêu thụ điện tăng đột biến hoặc tình trạng hóa đơn lặp lại nhiều lần.
Hóa đơn tiền điện bị ghi nhầm, tăng tới vài chục lần và diễn ra ở nhiều địa phương. Việc ghi nhầm chỉ xảy ra ở chiều tăng mà không nhầm ở chiều giảm đã trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận vừa qua.
Cùng đó, sự nghi ngờ về tính chính xác của công tơ điện tử cũng như cách thức tính giá điện bậc thang một lần nữa tiếp tục được dư luận nêu ra, được các chuyên gia và người trong ngành đặt ra một cách nghiêm túc.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, chương trình Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)
Mời bạn đọc theo dõi tại video sau:
Nhầm hóa đơn tiền điện, lỗi do cá nhân ghi chỉ số
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, ông có thể nói gì về hiện tượng hóa đơn tiền điện bị ghi nhầm tăng tới vài chục lần, chỉ nhầm tăng mà không nhầm giảm trong thời gian qua?
Ông Võ Quang Lâm: Tháng 6 cũng giống như diễn biến của những năm trước đây, thời tiết Việt Nam bắt đầu thời kì nắng nóng kéo dài. Năm nay, chúng ta đã chứng kiến một đợt nóng kéo dài nhất trong lịch sử 27 năm qua. Sự tăng trưởng mạnh của nền nhiệt như vậy đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh về tiêu dùng điện của người dân trên cả nước.
Đã có một số các trường hợp hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng đột biến. Tuy nhiên, việc tăng đột biến hóa đơn tiền điện này mới ở trong giai đoạn thông báo của ngành điện đến khách hàng. Sau khi nhận được phản ánh, ngay lập tức, các đơn vị điện lực của chúng tôi đã liên hệ với khách hàng để kiểm tra lại các hóa đơn đó.
Tuy nhiên, xin nói thêm, thông tin mà khách hàng gửi đến các Trung tâm chăm sóc khách hàng của chúng tôi bao gồm cả thông tin hóa đơn tăng và cả hóa đơn giảm. Đối với từng trường hợp cụ thể, các đơn vị thành viên của Tập đoàn điện lực Việt Nam đã thực hiện công tác phúc tra, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Nhà báo Phạm Huyền:Vậy, nguyên nhân ở đây là do con người, do công tơ hay là vì một lý do nào khác, thưa ông?
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam chia sẻ trong chương trình Góc nhìn thẳng về hóa đơn tiền điện và công cơ điện
Ông Võ Quang Lâm: Trước việc xảy ra một số sai sót về hóa đơn tiền điện như vậy, chúng tôi đã lập tức tổ chức kiểm tra, làm rõ và xác minh từng vấn đề cụ thể ở từng trường hợp một.
Qua xác minh thì thấy, những trường hợp tăng đột biến hóa đơn tiền điện là do lỗi của các cá nhân trong ngành điện thực hiện các nhiệm vụ này trên địa bàn.
Độ chính xác của công tơ điện tử cao hơn công tơ cơ khí
Nhà báo Phạm Huyền: Một vấn đề khác được người dân quan tâm là tính chính xác của công tơ điện tử. Nhiều người dân đã phản ánh, khi chuyển từ công tơ cơ khí sang công tơ điện tử, hóa đơn tiền điện của họ đã tăng vọt dù thói quen tiêu dùng điện vẫn như trước.
Trong khi đó, lâu nay, giải đáp các thắc mắc này, đại diện Tập đoàn EVN luôn khẳng định, công tơ điện tử đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng do Bộ KHCN ban hành.
Là người chủ trì trực tiếp các đợt kiểm tra về công tơ điện hiện nay, ông đánh giá cụ thể như thế nào về tính chính xác của loại công tơ này?
Ông Võ Quang Lâm: Sử dụng công tơ điện tử hay công tơ cơ khí trong đo đếm điện năng ở Việt Nam đều được thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ KHCN. Cụ thể, việc đo kiểm điện năng đảm bảo theo tiêu chuẩn ĐLVN-07 và ĐLVN- 39 được ban hành năm 2019.
Hiện nay, khách hàng trên cả nước đã lắp đặt, sử dụng 53% là công tơ điện tử và 47% là công tơ cơ khí. Một số đơn vị như Tổng công ty Điện lực Miền Trung đã đạt số lượng công tơ điện tử lắp đặt đến 92%, tại địa bàn TP Hà Nội, số lượng công tơ điện tử lắp đặt đến 91%. Tại các đơn vị khác, tỷ lệ lắp đặt công tơ điện tử thấp hơn một chút.
Do sự phát triển của công nghệ, mức độ chính xác của công tơ điện tử có cao hơn công tơ cơ khí. Chính vì vậy đã dẫn đến, một số khách hàng có ý kiến rằng, lắp đặt công tơ điện tử làm cho các chỉ số tiêu thụ điện cao hơn so với chỉ số ở công tơ cơ khí.
Tôi chỉ có thể khẳng định lại một điều rằng, cả hai loại công tơ cơ khí hoặc điện tử đều có một cấp độ chính xác như nhau.
Nhà báo Phạm Huyền: Trên thực tế, cảm giác của nhiều người dân là sau khi chuyển từ công tơ cơ khí sang công tơ điện tử, hóa đơn lại tăng. Vậy, bản chất vấn đề là do công thức cơ trước đây không chính xác?
Ông Võ Quang Lâm: Không phải! Chúng ta phải xem kỹ từng trường hợp một, việc sử dụng điện của người dân cụ thể như thế nào? Việc này sẽ phụ thuộc lớn vào chất lượng hệ thống thiết bị tiêu thụ điện và tuổi thọ của các thiết bị này trong gia đình.
Còn lại, công tơ cơ khí hay công tơ điện tử chỉ làm việc đo đếm lượng điện sử dụng mà thôi.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam và nhà báo Phạm Huyền trong chương trình Góc nhìn thẳng về hóa đơn tiền điện và công cơ điện
Quý III trình phương án biểu giá bán lẻ điện mới lên Chính phủ
Nhà báo Phạm Huyền: Ngoài vấn đề về công tơ điện, người dân rất băn khoăn về cách tính giá điện hiện nay của ngành điện. Một số ý kiến người dân cho rằng, giá đầu vào của ngành điện không có quá nhiều nấc nhưng giá bán ra lại có nhiều mức khác nhau theo lượng điện tiêu thụ.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng không hài lòng và nghi ngờ về việc dễ phát sinh tiêu cực vậy. Vậy, ông có thể đánh giá chi tiết như thế nào về vấn đề này?
Ông Võ Quang Lâm: Về chi phí mua điện, tôi xin trao đổi thêm, hệ thống điện được vận hành một cách đồng thời giữa sản xuất và tiêu thụ. Thị trường điện của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam đều phát triển theo lộ trình tự do hóa.
Năm 2013, theo lộ trình của Chính phủ phê duyệt, thị trường phát điện cạnh tranh được hình thành. Năm 2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng đã hình thành.
Về cơ cấu nguồn điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chiếm 53% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện toàn quốc, 47% còn lại thuộc về các nhà đầu tư tư khác như các nhà máy BOT, các nhà máy điện độc lập.
Để vận hành thị trường điện, ngành điện có hệ thống chào giá trên thị trường điện. Các nhà máy sẽ được huy động theo nguyên tắc, tại cùng một thời điểm, bên nào chào giá rẻ nhất thì được huy động.
Chúng ta hiểu nôm na đơn giản rằng, vào giờ thấp điểm, nhu cầu sử dụng thấp, các nhà máy thủy điện có giá rẻ sẽ được huy động hết. Đến giờ cao điểm, tức nhu cầu sử dụng điện tăng cao, chúng tôi sẽ phải huy động cả những nguồn có giá thành cao như các nhà máy nhiệt điện than, điện mặt trời hoặc năng lượng tái tạo thì mới đáp ứng được nhu cầu điện trên hệ thống.
Chính vì vậy, vào những giờ cao điểm, chi phí mua điện của chúng tôi cao hơn cho nên giá điện bán ra sẽ cao hơn vào giờ cao điểm. Giá điện là phản ánh quan hệ cung cầu trên thị trường điện như vậy.
Tuy nhiên, đối với riêng điện sinh hoạt thì câu chuyện hơi khác. Bất cứ một quốc gia nào cũng đều theo đuổi một chính sách sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Chính sách này được vận hành theo hướng, tạo ra áp lực cho những hộ gia đình sử dụng nhiều điện nhiều hơn thì sẽ phải trả tiền nhiều hơn để điều tiết việc sử dụng điện của mình.
Đây là một chính sách mà hầu hết các nước trên thế giới đều đang theo đuổi và thực hiện.
Nhà báo Phạm Huyền: Cách đây vài năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương đã từng nghiên cứu về việc sửa đổi giá điện bậc thang, đã từng đưa ra phương án giá điện chỉ một giá. Nhiều người dân đang than phiền, giá điện bậc thang với 6 bậc hiện nay đã lỗi thời.
Vậy ông có thể thông tin chi tiết hơn về việc trong thời gian tới, chúng ta có thể thay đổi cách tính giá điện hay không cũng như lộ trình thực hiện ra sao?
Ông Võ Quang Lâm: Việc xây dựng và ban hành Biểu giá điện bán lẻ ở Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng các phương án biểu giá điện và các phương án này đã được lấy ý kiến rộng rãi trong người dân, khách hàng, các Bộ, ngành, các hiệp hội và được công khai trên website của Bộ Công Thương.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đang tạm dừng việc lấy ý kiến của người dân, tạm dừng việc báo cáo Chính phủ.
Theo tôi được biết, Bộ Công Thương đã có kế hoạch trong quý 3 năm 2020 sẽ hoàn thiện các phương án giá điện và sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định vào cuối năm 2020.
Nhà báo Phạm Huyền: Câu chuyện giá điện là câu chuyện lâu dài. Vậy với câu chuyện trước mắt là những nhầm lẫn trong công tác ghi số điện, làm tăng hóa đơn tiền điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có những giải pháp gì để không tái diễn lại tình trạng như vậy?
Ông Võ Quang Lâm: Chúng tôi thấy rằng, việc thực hiện các bước trong quá trình ghi chỉ số cũng như lập hóa đơn đang có một số sai sót xảy ra rất đáng tiếc.
Ngay lập tức, Tập đoàn đã chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và các Công ty điện lực thiết lập các nấc kiểm tra, kiểm soát trong quy trình xác nhận số liệu chỉ số công tơ, lập hóa đơn tiền điện, phúc tra và công tác dịch vụ khách hàng, từ đó, tăng cường trách nhiệm của cán bộ nhân viên. Quy định này đã được chúng tôi ban hành ngày 29/6 và thực hiện ngay từ 1/7/2020.
Toàn bộ việc ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện sau ngày 1/7 sẽ được kiểm soát theo các ngưỡng khác nhau. Với quy trình này, sẽ đảm bảo hạn chế tối đa sai sót như ghi chỉ số tiêu thụ điện tăng đột biến hoặc tình trạng hóa đơn lặp lại nhiều lần.
Tôi hi vọng rằng, với các biện pháp quyết liệt của Tập đoàn, công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn cũng như công tác phúc tra, kiểm tra sẽ được thực hiện tốt hơn, đúng theo quy định, quy trình mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành.