EVN phản hồi việc dừng huy động điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dừng huy động một phần công suất của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam vì chưa có cơ chế giá.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi thông tin liên quan đến việc dừng huy động một phần công suất (172,12 MW) của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (450MW) chưa có cơ chế giá.
EVN cho biết, vừa qua Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo với nội dung là “EVN huy động phát điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam trên cơ sở hợp đồng PPA đã ký và theo các quy định của pháp luật”.
Lý giải về vấn đề này, EVN cho rằng, từ năm 2016, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo, kể từ ngày 1/1/2017, các nhà máy điện (trừ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh) không có hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực, Bộ Công thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan không huy động các nhà máy điện này phát điện lên lưới điện quốc gia (trừ trường hợp cần thiết huy động để đảm bảo an ninh cung cấp điện).
Bên cạnh đó, tại Điều 4 Thông tư số 13/2017/TT-BCT ngày 3/8/2017 của Bộ Công Thương quy định: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam không thực hiện việc tạm thanh toán hoặc thanh toán tiền điện cho nhà máy điện khi vận hành, phát điện lên lưới mà không ký kết chính thức hợp đồng mua bán điện. Trong trường hợp phải huy động các nhà máy này do yêu cầu đảm bảo an ninh cung cấp điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, phối hợp với đơn vị phát điện thực hiện việc huy động, vận hành và thanh toán tiền điện cho nhà máy điện.”
Như vậy, với các căn cứ nêu trên, EVN khẳng định, việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW chưa có cơ chế giá của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 31/8/2022 Công ty mua bán điện (EVNEPTC) thuộc EVN có văn bản số 6082/EPTC-KDMĐ thông báo ngừng huy động phần công suất chưa có giá bán điện dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (thuộc Tập đoàn Trung Nam), việc dừng khai thác phần công suất chưa có giá điện của Dự án điện mặt trời 450MW từ ngày 1/9/2022 đã gây thiệt hại cho dự án lên tới 80 tỷ đồng.
Trước thực tế này, ngày 18/9/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản số 4073/UBND-KTTH kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành xem xét chỉ đạo việc tiếp tục khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (Nhà máy điện mặt trời 450MW).
Phản hồi các ý kiến này, EVN cho hay, 172,12 MW được xác định là phần công suất nằm ngoài 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận (được hưởng giá FIT theo quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời), vì vậy chưa có giá điện, nên việc vận hành khi chưa có hợp đồng mua bán điện hoặc chưa có giá điện là trái với quy định.
Hiện Bộ Công Thương cũng chưa có văn bản xác nhận phần trong và ngoài 2.000 MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, nên theo EVN, nếu càng vận hành thì sẽ rủi ro với tập đoàn. Trong khi đó, việc xây dựng quyết định 13 sửa đổi "đi vào bế tắc", EVN đã báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng cho phép dừng vận hành công suất ngoài 2.000 MW của dự án 450 MW.
Ngày 5/10, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về dự án trên. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước đối với ngành điện có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay của ngành điện, chủ động xử lý theo quy định pháp luật.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện giữa các bên, công nhận vận hành thương mại của cơ quan có thẩm quyền… bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định.