EVN và doanh nghiệp nội 'chưa có cửa' làm điện gió ngoài khơi

Bộ Công thương khẳng định chưa có cơ sở pháp lý để giao cho EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

Điện gió ngoài khơi bước vào cuộc chiến mới. Ảnh: Hoàng Anh

Điện gió ngoài khơi bước vào cuộc chiến mới. Ảnh: Hoàng Anh

Bộ Công thương cho biết, vấn đề giao thí điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số doanh nghiệp trong nước triển khai điện gió ngoài khơi (ĐGNK) gặp khó khăn trong xác định cụ thể dự án và doanh nghiệp.

Một trong những khó khăn điển hình là hành lang pháp lý cho phát triển ĐGNK chưa rõ ràng, chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển. Đồng thời, pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ĐGNK.

Cũng nêu trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho biết trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi đã đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư để quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án ĐGNK.

Trước mắt, bộ đề xuất Thủ tướng giao EVN và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển ĐGNK, sẵn sàng triển khai khi có đủ cơ sở pháp lý để các cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư.

Trong dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII do Bộ Công thương trình mới đây, ĐGNK được xác định tổng công suất là 6.000MW và được tính toán theo từng vùng, không cụ thể tên dự án và tỉnh/thành.

Trong đó, giai đoạn đến năm 2030, khu vực Bắc Bộ phát triển 2.500MW, Trung Trung Bộ 500MW, Nam Trung Bộ 2.000MW và Nam Bộ 1.000MW với tổng nhu cầu diện tích mặt biển cần sử dụng gần 112.000ha.

Thời gian qua, ĐGNK vẫn chưa thể giải quyết các nút thắt về pháp lý, quy hoạch, hướng dẫn thủ tục triển khai và khiến không ít nhà đầu tư “nản chí” rời cuộc chơi.

Ngoài các tên tuổi ngoại, không ít doanh nghiệp trong nước bày tỏ quan tâm và cụ thể hóa bằng các đề xuất nghiên cứu, lập quy hoạch, đề xuất dự án ĐGNK tại một số địa phương nhưng tất cả vẫn dừng ở đề xuất vì hàng loạt khó khăn chưa thể tháo gỡ.

Việc này từng được Bộ Tài nguyên và môi trường báo cáo tới Thủ tướng liên quan đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi khoảng 1 năm trước.

Theo đó, sau khi tiếp nhận đề xuất khảo sát ĐGNK của một số tổ chức, Bộ Tài nguyên và môi trường đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương; tổ chức các cuộc họp tham vấn, trao đổi với các bên liên quan.

Quá trình tham vấn cho thấy còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật nên chưa thể giải quyết và ban hành văn bản chấp thuận theo Nghị định 11/2021. Từ đây, Bộ Tài nguyên và môi trường đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ, chủ yếu xoay quanh Nghị định 11/2021.

Ngoài ra, thực tế phát triển ĐGNK đã và đang đối diện với một số khó khăn khác khó có thể giải quyết sớm được.

Liên quan đến vấn đề pháp lý là việc cho phép hoặc không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hoạt động đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển; chưa quy định “được phép” hay “không được phép” cùng thực hiện khảo sát trong trường hợp có nhiều đề xuất trong cùng một khu vực biển hoặc đề xuất có chồng lấn..

Về kỹ thuật, tồn tại vấn đề chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiêu héc-ta trên 1MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển.

Chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho 1 dự án (ví dụ 0,5GW, 1GW hay 2GW) để vừa đảm bảo khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa đảm bảo cân đối hệ thống truyền tải điện. Thậm chí, chưa có tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng khảo sát ĐGNK.

Cuộc đua giữa các địa phương

Nếu định mức công suất ĐGNK cho từng vùng như nêu trên được thông qua (tức bản dự thảo gần nhất về kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII được duyệt), sẽ mở ra cơ hội và cũng dự báo cuộc cạnh tranh ngầm đối với hàng loạt dự án11 đang xếp hàng trong cùng một khu vực suốt thời gian qua.

Rõ nhất là khu vực Nam Trung Bộ với góp mặt của gần 20 dự án đang nghiên cứu, đề xuất tại Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định.

Với công suất giới hạn phát triển chỉ 2.000MW đến năm 2030, chỉ riêng các dự án ở Phú Yên, nếu được bổ sung chấp thuận vào kế hoạch thực hiện đã sử dụng hết định mức này.

Cụ thể, tại Phú Yên ghi nhận 10 dự án với tổng công suất 2.000MW, diện tích nghiên cứu khảo sát khoảng 19.900ha. Được đề xuất vào quy hoạch điện VIII, 10 dự án này từng bị Bộ Tài nguyên và môi trường lắc đầu với lý do: khu vực biển và ven biển thuộc vùng duyên hải miền Trung phần lớn không ưu tiên cho phát triển điện gió do liên quan đến các yếu tố quốc phòng, an ninh.

Tỉnh Bình Thuận thậm chí xác định rõ tầm quan trọng của ĐGNK nhiều năm nay với đề nghị không quy hoạch phát triển điện gió vùng bờ mà chỉ phát triển ĐGNK.

Nguyên nhân là vì có lợi thế phát triển du lịch vùng bờ, nhất là du lịch thể thao biển nên địa phương dành không gian vùng bờ phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế xã hội khác.

Cũng thuộc khu vực Nam Trung Bộ, với tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt với bờ biển dài 134km rất thuận lợi để phát triển điện gió, tỉnh Bình Định đón nhận nhiều nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm đăng ký nghiên cứu, khảo sát để đầu tư các dự án ĐGNK.

Thống kê cho thấy, có khoảng 7 dự án được UBND tỉnh Bình Định đề nghị xem xét đưa vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII trước năm 2030. Các dự án quy mô lớn như: dự án do Tập đoàn PNE đăng ký với tổng quy mô công suất 2.000MW, Bình Định 1,2,3 (tổng công suất đặt 2.600MW), dự án tại xã Nhơn Lý (1.000MW), Mỹ An (1.000MW), Bình Định (2.000MW).

Gần đây nhất là các trường hợp đề xuất phát triển dự án của Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty TNHH MarubeniAsian Power Việt Nam; Công ty CP Tập đoàn PC1 tại xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn…

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/evn-va-doanh-nghiep-noi-chua-co-cua-lam-dien-gio-ngoai-khoi-1697688965853.htm