EVNNPC giám sát an toàn lao động bằng công nghệ số
'Không cần trực tiếp kiểm tra hiện trường, lãnh đạo các cấp từ Điện lực đến Tổng công ty cũng có thể giám sát an toàn vệ sinh lao động của các nhóm công nhân đang làm việc trên lưới', ông Mai Quang Hùng - Trưởng Ban An toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) giới thiệu về kết quả ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực quản lý an toàn lao động mà Tổng công ty đang thực hiện.
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý an toàn lao động trong năm 2018 của EVNNPC?
Ông Mai Quang Hùng: Năm 2018 là một năm thành công của EVNNPC, khi toàn Tổng công ty không xảy ra bất kỳ vụ tai nạn lao động do nguyên nhân chủ quan. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng công ty đạt được thành tích này.
Đặc biệt, năm 2018, EVNNPC cũng đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành phần mềm quản lý an toàn vệ sinh lao động, với 382 trung tâm giám sát từ cấp điện lực đến công ty, tổng công ty.
Qua ứng dụng này, tất cả các cấp đều có thể giám sát đồng thời các nhóm công nhân đang thao tác trên lưới ở mọi địa điểm. Từ đó, kịp thời phát hiện ra các sai sót, điều chỉnh ngay, góp phần vào việc đảm bảo an toàn lao động.
PV: Hệ thống phần mềm này vận hành như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Quang Hùng: Năm 2018, trung bình mỗi tuần, Tổng công ty có khoảng 12.500 công việc trên lưới điện. Để kiểm soát an toàn, cán bộ làm công tác an toàn phải xuống trực tiếp hiện trường. Quy trình này vừa tốn thời gian, công sức di chuyển vừa tốn kém chi phí đi lại… Trong khi đó, địa bàn quản lý của EVNNPC trải dài trên 27 tỉnh/thành phố; phần lớn thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo..., đi lại rất khó khăn, số cán bộ làm công tác an toàn lại có hạn. Chưa kể, khi công nhân ra hiện trường, thao tác trên lưới, đoàn kiểm tra mới đến, nên việc kiểm tra, kiểm soát không được kịp thời...
Việc ứng dụng hệ thống phần mềm này đã hạn chế và khắc phục được những thiếu sót trên. Cụ thể, mỗi tuần, các đơn vị sẽ tiến hành đăng kí công việc trên lưới điện, trình các cấp phê duyệt trên hệ thống phần mềm. Nhờ đó, Tổng công ty cũng sẽ kiểm soát được toàn bộ khối lượng công việc trong tuần của từng điện lực/công ty điện lực, biết rõ đơn vị triển khai nội dung công việc gì, ở đâu, ai kiểm soát công tác an toàn...
Đặc biệt, mỗi nhóm công nhân khi ra hiện trường làm việc phải sử dụng thiết bị di động thông minh chụp ảnh các thao tác gửi lên hệ thống. Lúc này, cán bộ an toàn ở các cấp từ điện lực/công ty/tổng công ty sẽ lập tức tiếp nhận được hình ảnh để theo dõi, giám sát; đồng thời có thể phân tích, đưa ra các giải pháp về kỹ thuật, khắc phục sự cố khi cần thiết mà không phải đến trực tiếp hiện trường.
Với việc đưa phần mềm này vào hoạt động cũng buộc mỗi cán bộ, công nhân khi làm việc phải có ý thức hơn trong việc thực hiện đúng quy trình, quy phạm an toàn, vì khi hình ảnh được gửi về hệ thống, nếu không tuân thủ quy trình an toàn sẽ bị trừ điểm.
Ông Mai Quang Hùng: Khó khăn lớn nhất là việc thay đổi nhận thức, cách làm của người lao động. Trước đây, công nhân làm việc chỉ thao tác thủ công nên khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thường ngày cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những công nhân lớn tuổi. Đó là chưa kể, việc yêu cầu phải chụp ảnh cập nhật lên hệ thống, cũng tăng thêm áp lực về việc bị giám sát khi đang làm việc.
Để khắc phục những khó khăn này, Tổng công ty đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn bằng hình thức trực tuyến cho tất cả các đối tượng. Thậm chí, với những đơn vị chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu, Tổng công ty cử cán bộ xuống trực tiếp các tổ đội sản xuất để hướng dẫn. Đến nay, toàn bộ hệ thống đã vận hành ổn định. Công nhân cũng đã quen với các thao tác trên máy khi đi làm nhiệm vụ và ý thức tuân thủ các quy trình an toàn cũng đã được nâng lên rõ rệt.
PV: Cùng với phần mềm này, thời gian tới, EVNNPC có tiếp tục phát triển các công nghệ mới vào quản lý an toàn lao động không, thưa ông?
Ông Mai Quang Hùng: Đó là một xu thế trong thời đại số. Hiện nay, Tổng công ty đã nghiên cứu, triển khai các chức năng mới trên phần mềm quản lý an toàn lao động, sẽ được triển khai ứng dụng trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, việc đăng ký, phê duyệt phương án thi công sẽ được thực hiện trên không gian mạng, thông qua chữ kí số; thay vì kết thúc mỗi phiên công tác, công nhân điện lực phải về đơn vị khóa phiếu và nhận nhiệm vụ mới. Mọi thao tác này đều thực hiện trên phần mềm, thông qua thiết bị di động cầm tay của người lao động, giúp công nhân tiết kiệm được thời gian đi lại.
Đối với trường hợp phải xử lý sự cố trong phòng chống thiên tai và ứng cứu khẩn cấp, người lao động cũng có thể chuyển ảnh từ hiện trường lên hệ thống. Lúc này, các phòng ban như, An toàn, Kỹ thuật, Điều độ, XDCB... có thể kịp thời phân tích tình huống sự cố, đưa ra phương án chỉ đạo, khắc phục nhanh nhất.
Đặc biệt, Tổng công ty cũng đang tiến hành nghiên cứu đưa trí tuệ nhân tạo vào phân tích hình ảnh về an toàn. Ví dụ, khi ảnh chụp của công nhân được đưa lên hệ thống mà chưa tuân thủ đầy đủ quy trình, quy phạm an toàn, hệ thống sẽ có tín hiệu cảnh báo, buộc nhóm công nhân phải lưu ý khi thực hiện; xây dựng hệ thống chỉ đường cho công nhân tìm đến vị trí đường dây, cột điện bị sự cố,...
EVNNPC cũng đang lắp đặt các màn hình kiểm soát an toàn tại các đội trực vận hành. Như vậy, ngoài việc trực sửa chữa và điều hành hệ thống lưới điện, Phòng trực vận hành sẽ có thêm nhiệm vụ kiểm soát an toàn, còn những người làm công tác an toàn sẽ thực hiện nhiệm vụ khác, góp phần nâng cao năng suất lao động.
PV: Sau một năm rất thành công, mục tiêu EVNNPC trong năm 2019 là gì, thưa ông?
Ông Mai Quang Hùng: Năm 2019, EVNNPC quyết tâm giữ vững thành tích “Nói không với tai nạn lao động”. Tổng công ty sẽ tiếp tục xây dựng văn hóa an toàn trong lao động sản xuất, với trọng tâm là huấn luyện kỹ năng cho ngươi lao động nhận diện những nguy cơ mất an toàn lao động và biện pháp phòng tránh...
PV: Xin cảm ơn ông!