EVNNPC: Xứng đáng là cái nôi của ngành điện Việt Nam
Sau 50 năm kể từ ngày thành lập, đến nay ngành điện nói chung và ngành điện miền Bắc nói riêng đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, có đóng góp vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên để có được những thành tựu ấy, ngành điện miền Bắc – cái nôi của ngành điện Việt Nam đã có nhiều nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua nhiều thách thức, gian khó.
Những ngày gian khó
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải tiến quản lý kinh tế, ngày 06/10/1969, Bộ trưởng Bộ Điện và Than Nguyễn Hữu Mai đã ký ban hành quyết định số 106/QĐ-TC thành lập Công ty Điện lực (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc – EVNNPC) ngày nay trực thuộc Bộ Điện và Than, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế.
Công ty Điện lực ra đời và hoạt động với đầy đủ tư cách pháp nhân và là một công ty quốc doanh lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực điện năng (phía Bắc). Đây là một bước chuyển hóa quan trọng về cơ chế, không những tạo ra một chất lượng phát triển mới gắn chặt những nhiệm vụ chính trị của một ngành kinh tế quan trọng với hiệu quả sản xuất kinh doanh, đây còn là một bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tập đoàn điện lực ở Việt Nam (EVN) và của cả ngành điện sau này.
Công ty Điện lực có nhiệm vụ chính là: “Tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất, kế hoạch kinh doanh của Công ty do Bộ giao, bảo đảm hoàn thành kế hoạch một cách toàn diện, với năng suất cao; chất lượng tốt, giá thành hạ, kinh doanh có lãi…” và “chỉ đạo trực tiếp và quản lý về mọi mặt các đơn vị sản xuất, phân phối, sửa chữa điện thuộc Công ty, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị thành viên hoạt động sản xuất - kinh doanh thuận lợi theo đúng chế độ, thể lệ quản lý kinh tế của Nhà nước và của Bộ”. Đây là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt trong quá trình từ khi ra đời, trưởng thành và phát triển Công ty Điện lực trước đây và EVNNPC ngày nay.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, trong bối cảnh nguồn điện và lưới điện cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị điện thuộc thế hệ cũ, lạc hậu, trình độ tự động hóa thấp, chủ yếu vận hành thủ công, hơn nữa lại bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, trước tình hình đó đòi hỏi Công ty phải tập trung mọi khả năng, trí tuệ và tranh thủ thời gian đế quốc Mỹ “tạm ngừng ném bom miền Bắc” Công ty đã chỉ đạo khẩn trương khôi phục sản xuất, củng cố các mặt quản lý, sắp xếp lại tổ chức, chuẩn bị các điều kiện vật chất - kỹ thuật để vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng và mở rộng các công trình điện mới có công suất và sản lượng lớn hơn, hiện đại hơn, đáp ứng được yêu cầu trước mắt và chuẩn bị đón nhận những thời cơ, thách thức mới.
Trong những tháng năm ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước nhiều nhà máy điện và các trạm biến áp đầu mối bị đánh phá ác liệt như Nhà máy điện Vinh (Nghệ An), nhà máy điện Thượng Lý (Hải Phòng), Nhà máy điện Uông Bí (Ninh Bình), Yên Phụ (Hà Nội), Nhà máy điện Thác Bà (Yên Bái), Nhà máy điện Thanh Hóa (Thanh Hóa),... đỉnh cao nhất của giai đoạn đánh phá ác liệt miền Bắc xã hội chủ nghĩa là năm 1972, trong tháng 6/1972 nhà máy điện Uông Bí, nhà máy điện Vinh bị đánh phá tới 6 lần. Cuối tháng 12/1972 lại diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt nhất trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" Công ty Điện lực lại chứng minh bằng thực tế "giữ vững dòng điện, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Qua hai đợt đánh phá miền Bắc, các cơ sở của Công ty Điện lực đã phải đương đầu với 1.634 trận đánh phá, nhưng với tinh thần "vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu", Công ty đã tập trung mọi năng lực, công sức, trí tuệ của cán bộ công nhân viên để thực hiện củng cố và tổ chức lại sản xuất, chấn chỉnh các khâu: kinh doanh, phân phối điện; làm tốt việc điều hòa phụ tải, tốc chiến tốc thắng khôi phục các cơ sở điện lực bị tàn phá do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đã khôi phục xong về cơ bản nguồn điện (các nhà máy điện) và hoàn thiện hệ thống lưới điện, đảm bảo dòng điện vận liên tục. Đến cuối năm 1973 đã đưa 12 lò hơi, 11 tổ máy vào vận hành, nâng công suất lên 231 MW, phục hồi được 186 km đường dây cao thế, toàn bộ đường dây hạ thế, 12 trạm biến áp 110 kV và các trạm trung gian, sản lượng điện được nâng cao, chất lượng điện được cải thiện rõ rệt, đưa dòng điện đến mọi cơ sở sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân miền Bắc.
Với lòng quả cảm vì “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, sau hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã có 123 cán bộ, công nhân viên của Công ty đã anh dũng hy sinh vì dòng điện của tổ quốc.
Xây dựng nền móng cho ngành điện
Sau niềm vui vỡ òa vì đất nước thống nhất, Công ty Điện lực tiếp tục gánh vác trọng trách nặng nề trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn; vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, vừa phải san sẻ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề vào tiếp quản các cơ sở vật chất của ngành điện lực ở miền Nam.
Thực hiện Kế hoạch 5 năm 1976-1980, Công ty điện lực chủ trương khôi phục, củng cố hoàn chỉnh, mở rộng các cơ sở điện sẵn có. Chỉ đạo sát sao việc khảo sát, thi công nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy thủy điện Hòa Bình; khôi phục, hoàn chỉnh các trạm 110 kV, xây dựng mới đường dây 220 kV đầu tiên ở miền Bắc, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối, cải tạo lưới điện hạ thế của các thành phố lớn, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội. Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Công ty, đến cuối năm 1980, tổng công suất nguồn đạt 590,4 MW; đường dây điện các cấp điện áp từ 3 kV đến 110 kV có 9.286,5 km; tổng dung lượng máy biến áp các loại là 2.560 MVA. Về phụ tải, công suất sử dụng của công nghiệp Trung ương tăng hơn 1,6 lần, của công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần; công suất sử dụng cho bơm thủy lợi tăng 1,2 lần.
Bên cạnh đó, Công ty đã hỗ trợ và chi viện tối đa cho miền Nam với việc lựa chọn cán bộ giỏi, công nhân viên có tay nghề cao để cử vào giúp đỡ khôi phục Nhà máy thủy điện Đa Nhim và đường dây 230 kV Đa Nhim - Sài Gòn; điều phối lực lượng cán bộ, công nhân trong các cơ sở điện lực miền Bắc chuyển vùng, chuyển nhiệm vụ, hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt cho Công ty Điện lực miền Nam và Công ty Điện lực miền Trung (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công điện lực miền Trung ngày nay).
Năm 1981, Bộ Điện lực được thành lập theo Nghị định số 170-CP ngày 23/4/1981 của Hội đồng chính phủ. Theo quyết định số 15 ĐL1/TCCB ngày 09/5/1981, Công ty Điện lực miền Bắc được điều chuyển từ Bộ Điện và Than về trực thuộc Bộ Điện lực và Công ty Điện lực miền Bắc được đổi tên thành Công ty Điện lực 1. Các Sở quản lý phân phối điện khu vực được đổi thành các Sở điện lực tỉnh, thành phố.
Cũng trong giai đoạn này, thực hiện Nghị quyết 149/CT thống nhất quản lý lưới điện quốc gia của Chính phủ, trong năm 1981 Công ty Điện lực 1 bắt đầu tiếp nhận các lưới điện và các tổ chức quản lý lưới điện đấu nối với lưới điện quốc gia như Thái Bình, Hải Dương, Hà Tuyên…và các lưới điện phụ tải đang do các địa phương quản lý (hầu hết các tỉnh đều có). Tiếp theo đó từ năm 1988-1990 tiếp nhận các tổ chức và lưới điện của các địa phương nằm ngoài hệ thống như Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu và tiếp nhận hầu hết các tổ chức quản lý điện của các huyện trên miền Bắc.
Năm 1987, Bộ Năng lượng được thành lập theo Nghị định số 47/HĐBT ngày 05/3/1987 của Hội đồng Bộ trưởng (trên cơ sở sáp nhập các Bộ Điện lực với Bộ Mỏ và Than), Công ty Điện lực 1 là đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Bộ Năng lượng.
Thành tựu nổi bật của thời kỳ này được mở đầu bằng việc đưa 4 tổ máy (440 MW) của nhiệt điện Phả Lại vào vận hành an toàn, bảo đảm ổn định cho hệ thống, tránh được tình trạng "ăn đong" về công suất, nâng sản lượng điện lên hàng tỷ kWh (năm 1986, sản xuất đạt sản lượng 2,759 tỷ kWh, tăng hơn 7,06% so với năm 1985; năm 1987, đạt 3,064 tỷ kWh; năm 1988, sản xuất đạt 3,870 kWh…).
Sau nhiều năm thi công và khẩn trương xây dựng, đến cuối tháng 12-1988, tổ máy 1 của nhà máy Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành an toàn, liền sau đó hàng năm đưa thêm từ 1 đến 2 tổ máy khác vào hoạt động, tăng thêm 20% sản lượng điện, tạo sự chuyển biến về chất của hệ thống điện miền Bắc.
Năm 1990, Công ty đã đưa điện về phục vụ miền Trung, đẩy lùi giải quyết một phần lớn tình trạng thiếu điện của khu vực này. Thực hiện Nghị quyết số 22 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) về chủ trương điện phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, Công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 110 kV Thái Nguyên - Cao Bằng, trạm 110 kV Tuyên Quang (năm 1990), các đường dây Mộc Châu - Mai Châu, Cẩm Phả - Tiên Yên và trạm 110 kV Tiên Yên…, nhờ đó đã đưa điện lưới quốc gia (lưới 110 kV) đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Có thể nói sau hơn 20 năm kể từ ngày thành lập, EVNNPC đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, xứng đáng là “cái nôi” của ngành điện Việt Nam. Đó là cơ bản xây dựng được nền móng quan trọng cho hệ thống điện miền Bắc góp phần phát triển kinh tế xã hội; giúp ngành điện miền Trung và miền Nam về nhân lực, kỹ thuật để củng cố hạ tầng, phát triển hệ thống nguồn và lưới điện, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của cả đất nước sau Đổi mới và hội nhập.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xung-dang-la-cai-noi-cua-nganh-dien-viet-nam-125363.html