F0 vội vã đến… lẳng lặng đi
Sau một năm 2021 và nửa đầu năm 2022 tham gia ồ ạt với sự hưng phấn cao độ, đại đa số nhà đầu tư mới (F0) đều bị 'trọng thương' trong nửa cuối năm 2022 và lặng lẽ rút lui.
Tuần trăng mật kết thúc
VN-Index khép lại năm 2022 giảm gần 32,8%, thuộc tốp các chỉ số giảm mạnh nhất thế giới, giá trị vốn hóa thị trường trên sàn HOSE “bốc hơi” 1,79 triệu tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu mất nửa thị giá, thậm chí giảm 70 - 80%, khiến không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà cả nhà đầu tư tổ chức cũng gánh những khoản lỗ nặng trong năm 2022. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, có tới 90% nhà đầu tư cá nhân thua lỗ trong năm 2022 và nhiều người trong số đó đã lặng lẽ rời cuộc chơi.
Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán năm 2021 và đầu năm 2022 đã kéo theo lượng nhà đầu tư mới tham gia kỷ lục. Cụ thể, trong năm 2021, có 1,5 triệu tài khoản cá nhân mở mới, cao gấp rưỡi tổng số mở mới của 4 năm liền trước. Bước sang năm 2022, con số kỷ lục này một lần nữa bị phá với 2,6 triệu tài khoản cá nhân mở mới, vượt qua tổng số lượng tài khoản mở mới của 6 năm từ 2016 đến 2021 cộng lại.
Tuy nhiên, sau đợt sụt giảm của thị trường từ tháng 9/2022, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng sụt giảm theo với 3 tháng liên tiếp trong quý IV/2022 có lượng tài khoản mở mới dưới 100.000 tài khoản, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với những tháng đầu năm 2021.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc GMStock, thời điểm đầu năm 2022, thị trường chứng kiến một sự hứng khởi và phấn chấn tới từ các nhà đầu tư F0. Những con sóng thần của các cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu penny khi có những cổ phiếu tăng tới 300 - 400% như CEO, DIG, L14... đã tạo ra tâm lý FOMO với nhiều người, qua đó kích thích họ mở tài khoản để đầu tư chứng khoán.
Ông Dương cho biết, nhiều nhà đầu tư F0 là tay ngang, chỉ mua theo thông tin tham khảo, hô hào từ các hội nhóm, hay hỏi bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, do thị trường đang uptrend nên vẫn có lãi lớn. Đến khi thị trường bắt đầu có biến động với nhiều phiên giảm điểm mạnh, hầu hết các nhà đầu tư F0 vẫn quyết tâm nắm giữ cổ phiếu, tin rằng đây chỉ là nhịp điều chỉnh, tự huyễn hoặc bản thân cổ phiếu mình cầm là cổ phiếu tốt.
Khi thị trường giảm mạnh từ vùng 1.530 điểm trong tháng 4 về vùng thấp nhất trong tháng 7 (1.142 điểm), nhiều nhà đầu tư F0 lỗ tới 40 - 50% và bắt đầu mất phương hướng. Nhiều người chấp nhận lỗ, bán tháo hết cổ phiếu rồi lặng lẽ rời thị trường. Số khác không chịu sức ép margin thì bỏ mặc tài khoản, chờ thời gian “về bờ”.
Chị Vũ Thảo Vy, một nhà đầu tư F0 cho biết, chị đã rất bất ngờ khi thị trường diễn biến xấu một cách nhanh như vậy.
“Ban đầu tôi cố nắm giữ, không cắt lỗ, nhưng khi có quá nhiều tín hiệu xấu, tôi đã đưa toàn bộ danh mục về ngưỡng an toàn, hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống còn 1/3”, chị Vy nói và cho biết, có thời điểm, danh mục của chị lỗ khoảng 40%, chủ yếu ở nhóm ngành bất động sản, trong đó mã lỗ nhiều nhất là L14 khi ghi nhận mức lỗ hơn 50%.
Trong khi đó, anh Hà Trung Hiếu (Hà Nội), một nhà đầu tư Fn cho biết, nhờ tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ, nên anh hạn chế được thiệt hại trong đợt giảm mạnh của thị trường. Trong đó, 2 mã lỗ lớn nhất là FRT và HAH cũng chỉ mất lần lượt là 15% và 17%. Trong đợt hồi phục cuối năm vừa qua, anh đã lấy lại được gần hết những gì đã mất, nên chỉ còn thua lỗ nhẹ trong năm 2022, dù VN-Index giảm gần 32,8%.
Ông Dương đánh giá, đó là sự khác biệt trong tâm lý giữa những nhà đầu tư F0 và những nhà đầu tư có kinh nghiệm. Đối với nhà đầu tư kinh nghiệm, họ tuân thủ nghiêm nguyên tắc cắt lỗ, chốt lãi để tìm cơ hội đầu tư mới. Họ không bị ảnh hưởng quá tiêu cực về mặt tâm lý khi thua lỗ như nhà đầu tư F0.
“Tất nhiên, tâm lý chán nản là không thể tránh khỏi, nhưng những nhà đầu tư kinh nghiệm thường phản ứng nhạy hơn, tâm lý vững vàng hơn”, ông Dương cho biết.
Trang bị kiến thức để đi đường dài
Theo ông Dương, việc các nhà đầu tư F0 mất mát lớn trong năm qua một phần là do các broker (môi giới) nghiệp dư. Cùng với sự tăng nóng và mạnh của thị trường, đội ngũ broker cũng phát triển nóng về số lượng, nhưng không đi kèm với chất lượng.
Theo ông Dương, vai trò của một broker là để hỗ trợ khách hàng về dịch vụ, tư vấn đầu tư, cũng như giải quyết các vấn đề khác trong quá trình sử dụng dịch vụ của công ty chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều broker không chuyên, không được đào tạo bài bản và đầy đủ đã tư vấn cho khách hàng những cổ phiếu tăng nóng do tin đồn hay hội nhóm, mà không dựa vào phân tích đánh giá có tính chuyên môn.
Cũng có nhiều broker chỉ chăm chú khoe lãi, tạo hình ảnh để lôi kéo khách hàng và tạo lập các hội nhóm đầu tư theo kiểu hô hào. Do đó, khi thị trường đảo chiều, các cổ phiếu đầu tư theo dạng này giảm mạnh hơn thị trường, gây thua lỗ nặng cho nhà đầu tư, đánh mất niềm tin của thị trường.
Việc nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường không chỉ thể hiện qua số lượng tài khoản mở mới giảm mạnh trong quý IV/2022, mà còn được thể hiện qua việc thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong năm qua.
Cụ thể, thanh khoản trên sàn HOSE trong năm 2022 đạt trung bình 654 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.004 tỷ đồng/phiên, giảm lần lượt 11,3% về khối lượng và 21,24% về giá trị so năm 2021.
Tuy nhiên, không phải hầu hết nhà đầu tư F0 đều rời bỏ thị trường, mà có nhiều người nhận thấy chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nên vẫn ở lại, đồng thời tự trang bị kiến thức và tích lũy kinh nghiệm để gắn bó lâu dài với thị trường.
Chị Vy chia sẻ, dù thua lỗ lớn trong nửa đầu năm 2022 nhưng không từ bỏ thị trường, mà chỉ có phần dè dặt hơn. Nhận thấy thị trường có nhiều yếu tố bất định, thay vì “tất tay” với một vài cổ phiếu nóng như trước, chị chỉ đầu tư vừa phải và lướt T+ là chủ yếu. Ngay khi cổ phiếu về tài khoản, dù có lãi ít hay lỗ, chị cũng nhanh chóng chốt lãi/cắt lỗ để tìm cơ hội khác. Ngoài ra, chị còn đăng ký các khóa học về đầu tư để có kiến thức tốt hơn.
“Thay vì đổ lỗi cho thị trường, tôi coi sự vấp ngã là bài học để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức đầu tư, tạo cho mình kỷ luật để nắm bắt các cơ hội khác trong tương lai”, chị Vy cho biết.
Còn theo ông Dương, phần tiêu cực nhất đã đi qua khi nhà đầu tư đã quen và sẵn sàng tâm lý của mình cho những điều xấu nhất, vì vậy thị trường năm 2023 sẽ bước vào giai đoạn bình ổn. Dù khả năng tăng mạnh là khó xảy bởi nền kinh tế và doanh nghiệp được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023, nhưng nếu biết chọn lọc, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận là có, nhất là với các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công hay nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/f0-voi-va-den-lang-lang-di-post313751.html