Facebook sắp trở thành 'TikTok thứ hai': Bất ngờ thay đổi nguồn cấp dữ liệu, chỉ hiển thị nội dung dựa trên sở thích để giữ chân người dùng
Nguồn cấp dữ liệu chính trên Facebook giờ đây sẽ được gọi là 'Home', đồng thời là nơi mọi người 'khám phá những nội dung mới' phù hợp với sở thích.
Theo Bloomberg, Meta đang thay đổi cách hiển thị các bài đăng và video trên mạng xã hội hàng đầu trong nỗ lực thu hút người dùng xem những nội dung từ tài khoản họ chưa theo dõi. Đây được coi như một cách để Meta cạnh tranh trực tiếp với ứng dụng video ngắn TikTok vốn đã bành trướng rất nhiều trong suốt thời gian qua.
Nguồn cấp dữ liệu chính trên Facebook giờ đây sẽ được gọi là “Home”, đồng thời là nơi mọi người “khám phá những nội dung mới” phù hợp với sở thích, theo đại diện Meta. Ảnh và video theo đó sẽ được chọn bởi thuật toán phần mềm và chỉ hiển thị những nội dung dựa trên sở thích, từ cả tài khoản người dùng theo dõi và không theo dõi.
Thay đổi này sẽ bắt đầu từ hôm nay, song phần lớn nội dung vẫn đến từ các tài khoản mà người dùng theo dõi. Meta cho biết sẽ cải thiện thuật toán và tăng nội dung hiển thị dần dần theo thời gian.
Một tab mới, được gọi là “Feeds”, sẽ chỉ hiển thị các bài đăng từ bạn bè, gia đình, trang và hội nhóm mà người dùng chọn theo dõi. Nội dung mới nhất sẽ xuất hiện ở trên cùng.
“Home’’ sẽ được cá nhân hóa duy nhất cho chính bạn. Hệ thống này, dựa trên hàng nghìn tín hiệu, sẽ giúp loại bỏ những nội dung không liên quan và xếp chúng theo thứ tự phù hợp’’, đại diện Meta cho biết.
Theo Bloomberg, đà tăng trưởng người dùng Facebook đã chậm lại trong những năm gần đây tại thị trường Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, TikTok, đối thủ gần như thâu tóm toàn bộ người dùng trẻ, lại chứng kiến sự phình to đáng kể trong số lượng người dùng và thời gian dành cho ứng dụng. Facebook theo đó buộc phải thích ứng để thu hút một lần nữa nhóm đối tượng mình từng bỏ quên.
TikTok có nguồn cấp dữ liệu chính mang tên “For You”, chuyên hiển thị các video dạng ngắn cho người dùng dựa trên lượt thích của họ trên nền tảng. Thông thường, những video này đến từ các tài khoản mà người dùng không trực tiếp theo dõi nhưng có nội dung phù hợp với sở thích của họ. Ngoài ra, người dùng cũng có một nguồn cấp dữ liệu khác để chỉ xem những video từ tài khoản đang theo dõi.
Cách tiếp cận này đã giúp TikTok sở hữu tới 1 tỷ người dùng hàng tháng chỉ trong 4 năm. Số tài khoản chỉ bằng khoảng ⅓ so với Facebook (khoảng 2,9 tỷ người), song người dùng mạng xã hội này tại Mỹ lại dành ra trung bình tới 29 giờ/tháng để xem TikTok, tức gần gấp đôi thời gian dành cho Facebook.
Thành công này khiến tỷ phú Mark Zuckerberg buộc phải thừa nhận, sau đó vội ra mắt Reels - một tính năng xem video ngắn tương tự TikTok, được tích hợp trên cả Facebook và Instagram. Meta cũng cố gắng thu hút người dùng sáng tạo từ tính năng “Story” nhằm giữ chân họ trên ứng dụng càng lâu càng tốt.
Mỗi video đăng tải lên Instagram có độ dài dưới 15 phút sẽ tự động được gắn nhãn Story. Instagram cho biết, nếu video được tạo bởi một tài khoản công khai và có đội dài dưới 90 giây, nó sẽ đủ điều kiện để xuất hiện trên cả những tài khoản mà người dùng không theo dõi. Điều này cho thấy Meta đang rất tập trung vào Reels, hơn hẳn những sáng kiến video khác trước đây như IGTV vốn để cạnh tranh với YouTube.
Được biết TikTok đang bị cơ quan quản lý để ý - cơ hội để Meta lấy lại những năm tháng hoàng kim trước đây. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có hàng tỷ đô la tiền mặt (cụ thể là hơn 43 tỷ USD) và các khoản tương đương tiền mặt có thể quy đổi tính đến ngày 31/3. Điều này có thể giúp Meta giảm bớt tác động từ đợt suy thoái lớn trong chi tiêu quảng cáo trực tuyến.
Theo: Bloomberg