Facebook Việt lan truyền cách trị virus Vũ Hán tại nhà
Thông tin về dịch bệnh do chủng virus corona đang thu hút sự bàn tán của cộng đồng mạng. Lợi dụng điều này, nhiều trang Facebook đang phát tán thông tin không đúng sự thật.
Tình hình virus corona lây lan nhanh chóng trong những ngày gần đây là tâm điểm thu hút được sự chú ý lớn từ mọi người trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều thông tin không chính xác đã được lan truyền, gây không ít hoang mang cho dư luận.
Ngày 27/1, tài khoản Facebook Thuy Trang **** chia sẻ bài viết với nội dung hướng dẫn tự chữa virus Corona tại gia.
Mở đầu bài viết, tài khoản này kêu gọi “Bạn muốn mình là người sống sót 90% sau khi nhiễm Vũ Hán hãy làm đúng cách sau đây”.
Theo đó, tài khoản Thuy Trang nêu dấu hiệu nhận biết bệnh là ho nhiều, đau ngực, nhức đầu và tiêu chảy. Cách chữa trị của Facebooker này là uống thuốc Tylenol, đắp khăn lạnh, tự cách ly người thân, uống nhiều nước lọc và nước cam…
Sau một ngày đăng tải, bài viết nhận được gần 7.000 lượt chia sẻ, 4.000 lượt thích và 500 bình luận.
Tuy vậy, đây là cách làm không được Bộ Y tế Việt Nam khuyến khích trong công văn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới ban hành ngày 16/1.
“Theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi có dấu hiệu bệnh như sốt, viêm phổi và từng ở vùng dịch hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh thì nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, xác định hỗ trợ điều trị. Không được tự ý chẩn đoán và tự chữa trị”, Bác sĩ Tăng Bá Xuân Thanh, Trung tâm Y tế Quận 1 nói với Zing.vn.
Cũng theo bác sĩ Thanh, nếu tự chẩn đoán tại nhà, người bệnh có thể nhầm lẫn với triệu chứng của nhiều bệnh khác dẫn đến không điều trị đúng cách, kịp thời.
Bên cạnh đó, điều trị tại nhà sẽ không đủ các trang thiết bị cần thiết. “Là bệnh về hô hấp, nếu không có thiết bị hỗ trợ hô hấp tuần hoàn khi cần thiết có thể dẫn đến tử vong”, ông Thanh nói thêm.
Hiện bài viết của tài khoản Thuy Trang **** đang được nhiều trang, Facebooker chia sẻ lại với tốc độ chóng mặt. Tài khoản Linh Anh Nguyen, chuyên bán hàng xách tay nhận được hơn 1.600 lượt chia sẻ khi đăng lại bài biết của Facebooker Thuy Trang****. Trong khi đó, Sky****, một trang dịch vụ ảnh cưới nhận về 1.300 lượt chia sẻ từ bài viết có nội dung tương tự.
“Người dùng Facebook nên đọc, chia sẻ những thông tin chính thống thay vì hoang mang và phát tán những bài viết chưa được kiểm chứng. Thường các shop online sẽ rất nhiệt tình chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng bởi nó thu hút sự quan tâm của người khác hơn tin chính thống”, Mai Thanh Phú, quản trị viên nhiều trang Facebook cộng đồng lớn tại TP.HCM chia sẻ.