FAO kêu gọi các quốc gia hành động chống dịch lở mồm long móng

Trong tuyên bố mới nhất, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo cần nâng cao nhận thức và hành động nhiều hơn nữa khi châu Âu và một số nơi ở khu vực Trung Đông đang phải vật lộn với các đợt bùng phát mới của bệnh lở mồm long móng (FMD) có thể gây ra những tác động tàn phá đến cả sức khỏe động vật và nền kinh tế khu vực.

 Tăng cường nhận thức và hành động là cách để ngăn ngừa dịch lở mồm long móng ở động vật lây lan rộng hơn. Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết

Tăng cường nhận thức và hành động là cách để ngăn ngừa dịch lở mồm long móng ở động vật lây lan rộng hơn. Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết

FMD là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, ảnh hưởng đến các loài động vật móng chẻ, bao gồm gia súc, lợn, cừu, dê và nhiều loài động vật hoang dã khác.

Châu Âu hiện đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất từ đầu thế kỷ đến nay, cùng lúc đó, một chủng virus lạ đã xuất hiện ở Iraq và các quốc gia khác ở vùng Cận Đông.

Mối lo ngại về khả năng lây lan

Báo cáo của FAO cho biết, tổ chức đang khuyến cáo các quốc gia thực hiện các biện pháp an toàn sinh học khẩn cấp và tăng cường giám sát sau khi phát hiện bệnh lở mồm long móng do virus SAT1 đã xuất hiện ở Iraq và Bahrain. Loại virus này là loại ngoại lai đối với các khu vực Cận Đông và Tây Âu - Á. Điều này làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về khả năng lây lan của bệnh.

Được biết, bệnh lở mồm long móng thường có đặc điểm là làm cho gia súc bị sốt và phồng rộp ở miệng và chân, kèm theo chứng khập khiễng. Mặc dù ít động vật trưởng thành tử vong do bệnh, nhưng những con non có thể chết vì suy tim đột ngột.

Bệnh lây lan nhanh chóng và có thể ảnh hưởng đến số lượng lớn động vật, đặc biệt là ở các quốc gia hoặc khu vực không thường xuyên có dịch hoặc gia súc không được tiêm vaccine thường xuyên.

Mặc dù bệnh lở mồm long móng không phải là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và phúc lợi động vật, an ninh lương thực và thu nhập do làm giảm năng suất nông nghiệp, bao gồm cả việc giảm sản lượng sữa và thịt.

Tác động kinh tế do bệnh gây ra cũng rất đáng kể, với tổn thất sản xuất trực tiếp toàn cầu và chi phí tiêm chủng ở các vùng có dịch lưu hành ước tính chạm mốc 21 tỷ USD/năm. FAO lưu ý, gánh nặng kinh tế thực sự có thể cao hơn nhiều khi tính đến sự gián đoạn đối với cả thương mại quốc tế và địa phương.

Nâng cao nhận thức

Trong khi chính phủ ở các quốc gia đều được kêu gọi phải cảnh giác, tổ chức FAO cho biết các quốc gia bị ảnh hưởng và có nguy cơ cao nên cân nhắc các biện pháp nâng cao nhận thức cho nông dân và cộng đồng để bảo vệ vật nuôi.

Các khuyến nghị khác bao gồm thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như tách động vật bị bệnh khỏi các vật nuôi khác và yêu cầu các chuyên gia kiểm tra, đồng thời kiểm tra hồ sơ tiêm chủng và xác minh các kế hoạch dự phòng để phòng ngừa và đối phó với bệnh lở mồm long móng.

Bằng cách thực hiện tốt các biện pháp này, các quốc gia mới có thể giảm đáng kể rủi ro bùng dịch và dịch lây lan rộng hơn.

Đan Lê (Lược dịch từ UN News)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/fao-keu-goi-cac-quoc-gia-hanh-dong-chong-dich-lo-mom-long-mong-153318.html