Không chủ quan với bệnh viêm màng não mô cầu

Giai đoạn từ 2022-2024, toàn tỉnh Đồng Nai chỉ ghi nhận 2 ca bệnh viêm màng não mô cầu. Nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 3 ca bệnh.

Tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Đồng Nai 2. Ảnh: Hạnh Dung

Tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Đồng Nai 2. Ảnh: Hạnh Dung

Bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền qua đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh có tỷ lệ tử vong lên đến 50% nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh nguy hiểm

Như Báo Đồng Nai đã đưa tin, 3 ca bệnh não mô cầu được ghi nhận trên địa bàn tỉnh gồm một bệnh nhân nữ ngụ tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom và 2 bệnh nhân nam tại phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa. Mặc dù bệnh não mô cầu đã có vaccine phòng bệnh nhưng các bệnh nhân trên đều chưa tiêm vaccine này. Trong đó, 2 trường hợp tại phường Tân Hòa có mối liên quan dịch tễ với nhau, có tiếp xúc với nhau.

Qua điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế thành phố Biên Hòa, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, trường hợp bệnh nhân nữ ở xã Hố Nai 3 có tiếp xúc gần với 23 người. 2 bệnh nhân ở phường Tân Hòa tiếp xúc gần với 43 người. Những người này đã được nhân viên y tế tư vấn uống thuốc kháng sinh dự phòng bệnh não mô cầu. Đến nay, chưa ghi nhận triệu chứng bất thường.

Vaccine phòng bệnh não mô cầu được tiêm cho trẻ nhỏ và người lớn từ 2 tháng tuổi đến 50 tuổi.

Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Hoa, Phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bệnh não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Khả năng lây truyền bệnh sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các virus đường hô hấp. Hiện nay trong cộng đồng có từ 5-25% người mang vi khuẩn não mô cầu nhưng không có triệu chứng lâm sàng ở mũi, hầu, họng. Do vậy, trong thời gian tới có thể sẽ xuất hiện thêm một vài ca bệnh tản phát.

Bệnh do não mô cầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một số đối tượng dễ mắc bệnh não mô cầu nhất bao gồm: trẻ sơ sinh dưới một tuổi; thanh thiếu niên và thanh niên; những người sống trong môi trường đông đúc như ký túc xá, nhà trọ; những người suy dinh dưỡng kéo dài do bất thường hệ tiêu hóa hoặc suy giảm chức năng hấp thụ đường ruột…

Những triệu chứng thường gặp của người bệnh não mô cầu gồm: sốt cao đột ngột 38-39 độ C, cảm thấy đau đầu dữ dội, rát họng, chảy nước mũi, cứng cổ và gáy, nôn, buồn nôn, toàn thân đau mỏi cơ khớp. Ngoài ra, tinh thần người bệnh bị lú lẫn, hoảng loạn, co giật và hôn mê, rối loạn các chức năng não, có dấu hiệu sợ ánh sáng.

Bệnh nhân sẽ xuất hiện các ban xuất huyết đặc trưng sau vài giờ khởi phát bệnh hoặc sau vài ngày. Các vết ban xuất hiện đầu tiên ở chân sau đó lan ra toàn cơ thể. Kích thước thay đổi dần từ vết nhỏ đến những mảng xuất huyết lớn làm bong và hoại tử da.

Đối với trẻ sơ sinh, các biểu hiện có thể sẽ không rõ rệt mà thay vào đó, trẻ quấy khóc liên tục, cơ thể lừ đừ, giảm hoạt động, nôn và có dấu hiệu co giật. Khi đó cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám phát hiện bệnh kịp thời. Nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng.

Bệnh não mô cầu nặng có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, bệnh có thể gây viêm ở ngoài màng tim, niệu đạo, phổi, kết mạc, khớp. Trong đó, viêm màng não do não mô cầu để lại nhiều di chứng về thể chất và tinh thần, như sẹo do hoại tử da, cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ...

Bác sĩ Hồ Thị Hoa khuyến cáo, để phòng bệnh viêm não mô cầu, người dân chưa tiêm vaccine não mô cầu nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vaccine. Ngoài ra, cần vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ, gọn gàng, thoáng khí; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường, đến những nơi đông người; tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Báo động ở khu vực phía Nam

Thông tin từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm nay, ở khu vực phía Nam đã ghi nhận 12 ca mắc ở 8/20 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh não mô cầu, ngày 6-5, tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu với Sở Y tế 20 tỉnh khu vực phía Nam.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã điều trị thành công cho một bệnh nhân não mô cầu, còn một bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi, điều trị, có tiến triển tốt. Ảnh: Anh Hoàng

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã điều trị thành công cho một bệnh nhân não mô cầu, còn một bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi, điều trị, có tiến triển tốt. Ảnh: Anh Hoàng

Theo tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, tất cả các ca bệnh não mô cầu được ghi nhận thời gian qua đều không rõ nguồn lây, phân bổ rải rác, chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ. Các ca bệnh có yếu tố nguy cơ là tập trung ở nơi đông đúc, chật chội, ở các khu nhà trọ có điều kiện vệ sinh kém. Trong số 12 ca bệnh có đến 7 ca trong độ tuổi từ 30-40, còn lại từ 1 đến dưới 30 tuổi.

Lãnh đạo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh dự báo, với tình hình hiện nay, nguy cơ sẽ phát hiện thêm nhiều ca bệnh mới. Do vậy, các địa phương cần khẩn trương triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện, dự phòng lây truyền bệnh. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh. Cảnh giác với bệnh nhân có bệnh cảnh viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng hô hấp trên ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường giám sát dựa vào sự kiện và lưu ý những điểm tập trung đông người; lấy mẫu toàn bộ ca nghi ngờ và chuyển mẫu để làm xét nghiệm ngay.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư hóa chất để điều trị ca bệnh và dự phòng sau phơi nhiễm; tập huấn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và giám sát, đáp ứng, phòng chống dịch cho đội ngũ nhân viên y tế.

Tác nhân gây bệnh não mô cầu là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Dựa vào đặc tính kháng nguyên polysaccarit của vi khuẩn, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202505/khong-chu-quan-voi-benh-viem-mang-nao-mo-cau-d89123d/