Fatah, Hamas và Israel: Toan tính của ba bên, ai thực sự vì người Palestine?

Cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas đang tiến triển nhưng vẫn đối mặt với nhiều trở ngại mang tính chiến lược và nhân đạo. Dù hai bên đã đạt được phần lớn đồng thuận, những khác biệt còn lại, từ cơ chế viện trợ, rút quân đến quyền kiểm soát lãnh thổ, vẫn cản trở một thỏa thuận cuối cùng. Trong khi đó, dân thường Gaza tiếp tục hứng chịu hậu quả nặng nề của cuộc xung đột kéo.

Fatah và Hamas mâu thuẫn trong lúc đàm phán ngừng bắn tại Gaza

Xung đột nội bộ giữa hai lực lượng chính của Palestine - Fatah và Hamas - đang leo thang đúng vào thời điểm các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Hamas và Israel diễn ra. Trong khi Fatah bày tỏ ủng hộ lệnh ngừng bắn để cứu trợ dân thường, phong trào này chỉ trích Hamas vì đã hành động đơn phương và không tham khảo ý kiến từ các lực lượng chính trị khác.

Theo Izvestia, ông Munzir Hayek, người phát ngôn của Fatah tại Gaza nói rằng Hamas không hề chia sẻ thông tin hay thảo luận về đề xuất ngừng bắn mới nhất, vốn được coi là một “sáng kiến chính trị” ảnh hưởng đến toàn bộ người Palestine. “Không có bất kỳ kênh liên lạc nào, dù là gián tiếp”, ông Hayek khẳng định. Mặc dù vậy, Fatah vẫn ủng hộ việc tiến tới thỏa thuận, ngay cả khi chỉ mang tính tạm thời, vì mục tiêu chấm dứt khẩn cấp thảm họa nhân đạo tại Gaza.

Về phía Hamas, phong trào này đã xác nhận đồng ý với một đề xuất ngừng bắn từ Israel và tỏ ý sẵn sàng đàm phán, nhưng vẫn yêu cầu điều chỉnh ba điểm trọng yếu: cơ chế viện trợ nhân đạo, rút quân Israel khỏi Gaza, và một lệnh ngừng bắn lâu dài. Israel lập tức bác bỏ các điều kiện này, cho rằng chúng không thể chấp nhận được.

Ông Hayek cảnh báo: “Chúng tôi đang sống trong điều kiện diệt chủng theo đúng nghĩa đen, mỗi ngày là một chuỗi thảm sát, không có thực phẩm, nước uống hay thuốc men. Tôi đã chứng kiến những phẫu thuật không có thuốc gây mê - tình hình quá kinh hoàng”.

Giới phân tích cho rằng, sự chia rẽ giữa Fatah và Hamas tiếp tục là một trở ngại lớn trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho xung đột Israel-Palestine. Trong khi Hamas nắm quyền kiểm soát tại Gaza và là bên trực tiếp đàm phán với Israel, Fatah - đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - vẫn là một thực thể được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, sự loại trừ lẫn nhau trong các quyết định chiến lược khiến cho lập trường của người Palestine bị chia rẽ, giảm đáng kể sức mạnh đàm phán.

Điểm đáng lo ngại là cả hai bên dường như đặt lợi ích phe phái lên trên lợi ích của người dân. Trong khi dân thường Gaza hứng chịu bom đạn, đói khát và bệnh tật, các lực lượng chính trị lại thiếu sự đồng thuận cơ bản. Cảnh báo của Fatah về một “diệt chủng thầm lặng” phản ánh thực trạng nhân đạo nghiêm trọng, nhưng nếu không có một tiếng nói thống nhất, cộng đồng quốc tế khó lòng can thiệp hiệu quả.

Cuối cùng, dù bất đồng nội bộ có sâu sắc đến đâu, một điều rõ ràng là: nếu Hamas và Fatah không tìm được điểm chung trong thời điểm sống còn này, thì người dân Palestine sẽ tiếp tục là nạn nhân lớn nhất của cả chiến tranh và sự chia rẽ chính trị.

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Tiến triển chậm, bất đồng vẫn dai dẳng

Các vòng đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas diễn ra gần đây, đã kết thúc mà chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, theo truyền thông Israel, các bên đã thống nhất khoảng 80-90% các điều khoản của một thỏa thuận khung về ngừng bắn và thả con tin. Israel tỏ ra lạc quan về khả năng đạt được đột phá trong thời gian tới.

Dù vậy, các rào cản còn lại vẫn mang tính cốt lõi. Hamas yêu cầu: (1) Quyền tiếp cận viện trợ nhân đạo không bị cản trở; (2) Rút toàn bộ quân đội Israel khỏi Gaza; (3) Đảm bảo ngừng bắn vĩnh viễn với sự giám sát quốc tế.

Trong khi đó, Israel đã bác bỏ các yêu cầu này, coi đó là “không thể chấp nhận”. Ngày 9/7, Hamas tuyên bố sẵn sàng thả 10 con tin như một cử chỉ thiện chí, trong đó có tù nhân mang hai quốc tịch Mỹ-Israel. Tuy nhiên, khoảng 50 con tin vẫn bị giam giữ, và Israel ước tính hơn một nửa đã thiệt mạng.

Một điểm nóng mới trong đàm phán là vấn đề kiểm soát hành lang Morag giữa Rafah và Khan Yunis - khu vực chiến lược mà Thủ tướng Israel Netanyahu kiên quyết giữ. Hamas đã bác bỏ bản đồ rút quân hiện tại.

Về viện trợ, Hamas khẳng định các hàng cứu trợ phải đi qua Liên hợp quốc, chứ không qua Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) của Mỹ. Trong khi đó, theo Reuters, GHF bị chỉ trích vì đề xuất lập các trại “trung chuyển nhân đạo”, vốn bị xem là một hình thức trục xuất trá hình hoặc “phi cực đoan hóa” ép buộc người Palestine.

Trong khi các nhà đàm phán quốc tế đang tiếp tục làm trung gian để thu hẹp khác biệt, dân thường Gaza vẫn sống trong thảm họa nhân đạo trầm trọng, với tình trạng thiếu nước, lương thực, thuốc men và nơi trú ẩn. Các chuyên gia khu vực cho biết hiện mới chỉ có “một bản dự thảo khung”, và việc đạt được một thỏa thuận đầy đủ vẫn còn nhiều trở ngại pháp lý và chính trị.

Dù đạt được 80-90% đồng thuận về các điều khoản, các yếu tố còn lại lại chính là cốt lõi của cuộc xung đột: kiểm soát lãnh thổ, đảm bảo hòa bình lâu dài và viện trợ nhân đạo. Hamas muốn tránh tình trạng “thỏa thuận mơ hồ” như trước đây, nơi Israel có thể linh hoạt diễn giải để trì hoãn cam kết. Ngược lại, Israel muốn giữ ưu thế chiến lược, đặc biệt là ở khu vực nam Gaza.

Bên cạnh đó, việc chưa đạt được đồng thuận giữa các phe phái Palestine như Hamas và Fatah cũng khiến lập trường đàm phán của người Palestine bị phân tán, ảnh hưởng đến uy tín chính trị và cơ hội đạt được thỏa thuận toàn diện.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, thiện chí thể hiện qua việc Hamas đề xuất thả con tin và tiếp tục đàm phán là một tín hiệu tích cực. Trong bối cảnh hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, và phần lớn Gaza bị phá hủy, áp lực quốc tế ngày càng lớn buộc các bên phải tiến gần hơn tới một giải pháp chính trị. Câu hỏi còn lại không chỉ là khi nào sẽ có thỏa thuận, mà còn là nó sẽ mang lại điều gì thực chất cho người dân Palestine - hòa bình, hay chỉ một khoảng lặng trước vòng bạo lực mới?

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/fatah-hamas-va-israel-toan-tinh-cua-ba-ben-ai-thuc-su-vi-nguoi-palestine-254473.htm