Căn cứ quân sự lớn của NATO sẽ xuất hiện ngay tại khu vực Transcaucasia?
Viễn cảnh căn cứ quân sự NATO xuất hiện tại khu vực Transcaucasia, nơi vẫn được xem là 'sân sau' của Nga, đang được nhắc đến.

Azerbaijan mới đây đã thông báo về việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một căn cứ quân sự lớn ngay trên lãnh thổ của mình, điều này đồng nghĩa với việc lực lượng NATO sẽ xuất hiện ngay tại khu vực Transcaucasia vốn được xem là sân sau của Nga.

Thông tin nói trên đã được báo chí Azerbaijan đăng tải rộng rãi sau khi xuất hiện tuyên bố của Cựu Chánh văn phòng Tổng thống Azerbaijan - ông Eldar Namazov về chương trình hợp tác quân sự của nước này.

Căn cứ không quân nói trên sẽ trở thành một yếu tố quan trọng đối với hợp tác quân sự giữa Baku và Ankara, củng cố vị thế của Azerbaijan trong khu vực đồng thời gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách thành viên NATO.

Trước tình hình trên, truyền thông Nga tỏ ra đặc biệt quan tâm bởi vì việc xuất hiện căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Azerbaijan sẽ là lần đầu tiên một cơ sở của NATO nằm tại khu vực Transcaucasia, điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn bàn cờ địa chính trị.

Đáng chú ý là ông Namazov còn nhấn mạnh, căn cứ nói trên có thể phục vụ không chỉ lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ mà trong tương lai, Baku không loại trừ khả năng cho một số đồng minh khác thuê, bao gồm cả Pakistan - quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Mặc dù vậy lời nói của ông Namazov đã gây thắc mắc bởi vì việc triển khai một căn cứ nước ngoài trái ngược với học thuyết quân sự mà Azerbaijan đưa ra, vốn chỉ cho phép sự hiện diện như vậy trong những trường hợp ngoại lệ.

Bên cạnh đó tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tránh trả lời trực tiếp câu hỏi về kế hoạch triển khai quân đội nước này trên lãnh thổ Azerbaijan, cho thấy rõ sự tế nhị của chủ đề trên.

Kế hoạch cho phép Ankara thành lập căn cứ quân sự diễn ra khi căng thẳng leo thang giữa Baku với Moskva và Tehran. Trên kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ Media Turk TV, nhà khoa học chính trị Sulhaddin Akbar đã đưa ra một đề xuất bất ngờ.

Cụ thể, ông Akbar gợi ý mở rộng hợp tác quân sự thành một liên minh quốc phòng trong Tổ chức các quốc gia Turkic (OTG), bao gồm cả những cuộc thảo luận về việc triển khai vũ khí hạt nhân của NATO tại các quốc gia thành viên.

Đối diện viễn cảnh trên, chưa rõ Nga và Iran sẽ đưa ra phản ứng nào ngoài những lời nói bày tỏ quan ngại, tuy nhiên rất khó để Moskva và Tehran đảo ngược quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan, khi tiềm lực của họ đã suy yếu quá nhiều trong thời gian qua.