Fatima Al Kaabi: Nhà phát minh trẻ nhất UAE
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) luôn khuyến khích các nhà khoa học nữ làm việc và điều này đã tạo tiền đề cho cô bé Fatima Al Kaabi theo đuổi ước mơ của mình. Mọi khó khăn được đền đáp khi mới 13 tuổi
Chế tạo robot khi 10 tuổi
Mọi chuyện bắt đầu khi Fatima 10 tuổi và chế tạo ra con robot đầu tiên có khả năng chụp ảnh. Sau đó, cô bé nhanh chóng phát triển 12 phát minh khác, bao gồm túi sạc năng lượng mặt trời cho các thiết bị, robot có thể thay HS ốm tới trường, dây đai điện cho người khiếm thính và hệ thống lái thông minh ngăn chặn người nhắn tin trong khi lái xe.
Nay Fatima bước sang tuổi 18 và là SV ngành kỹ thuật máy tính của ĐH Bách khoa Virginia (Mỹ). Cô bé đã trở thành nguồn cảm hứng, mở đường cho phụ nữ và trẻ em gái khác theo đuổi sự đổi mới và ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán).
Từ khi còn nhỏ, Fatima đã đam mê khoa học và phát minh. Cô rất thích xem phim khoa học viễn tưởng, phim tài liệu và các chương trình về công nghệ. Ngoài ra, cha mẹ cô có nền tảng kỹ thuật, điều này góp phần thúc đẩy cô đam mê khoa học, phát minh.
“Tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ những chương trình đã xem, chủ yếu là về khoa học. Tuy nhiên, môi trường sống của tôi cũng tác động rất nhiều, trong đó có việc cha mẹ tôi đều là kỹ sư... tất cả góp phần hình thành nên sở thích và tính cách của tôi” – Fatima nói.
Gia đình đóng vai trò hỗ trợ cho Fatima rất nhiều. Ở nhà, cha mẹ giúp đỡ cô và dạy cách làm các dự án nhỏ. Theo thời gian, Fatima trở nên thành thạo với các kỹ năng và có thể gia nhập ngành công nghiệp với sự hướng dẫn và giúp đỡ của cha mẹ.
Vượt qua thử thách
Lên 7 tuổi, Fatima rất hào hứng khi tìm hiểu về ngành công nghiệp mới và xây dựng các dự án thú vị. Tuy nhiên, theo thời gian, Fatima nhận ra rằng rất khó có thể trụ lại ngành này khi còn là một cô gái trẻ.
“Không có nhiều cơ hội và khi tôi cố gắng để giành lấy những cơ hội, mọi người không coi trọng tôi hoặc nghĩ rằng đó chỉ là một giai đoạn nhất thời và cho rằng tôi sẽ tìm việc khác để làm phù hợp với giới tính của mình”, Fatima nói.
Tuy nhiên, trong những năm qua, Fatima cho biết rất vui khi chứng kiến sự thay đổi về khoảng cách giới tính mà phụ nữ luôn phải chịu thiệt thòi. “Ngày nay, có rất nhiều tài nguyên mà trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ em gái, có thể sử dụng để tự học và xây dựng cho mình bộ kỹ năng. Ngoài ra xã hội đã tiến bộ hơn so với tư tưởng phân biệt giới tính và cởi mở hơn đối với phụ nữ và các bé gái trong lĩnh vực công nghệ”, Fatima cho biết.
Danh hiệu Nhà phát minh trẻ nhất của UAE đã củng cố sự tiến bộ của Fatima. “Nó đã mở ra nhiều cánh cửa cho tôi và cho phép tôi phát triển như một nhà phát minh, giúp tôi đạt được một số xác nhận ở những nơi mà tôi bị cho là không phù hợp, ngay cả khi nó đi kèm với rất nhiều trách nhiệm. Tôi rất vinh dự được mang danh hiệu đó. Nhận được sự hỗ trợ và công nhận từ chính phủ là một trong những điểm nổi bật trong hành trình của tôi”.
Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Fatima không phải là nhà khoa học nữ đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng nói về việc này. Chính phủ UAE đã nỗ lực rất nhiều trong việc khuyến khích phụ nữ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Một báo cáo của tạp chí Times Higher Education năm 2018 cho biết nhiều SV nữ đăng ký học STEM hơn so với nam giới ở UAE. Nguyên nhân được cho là vì chính phủ trao quyền cho phụ nữ thông qua các chính sách, cơ hội để bảo đảm các hình mẫu của phụ nữ có trong sách giáo khoa khoa học.
Fatima cho biết, cô đang mong chờ thời điểm danh hiệu mình được nhận sẽ được trao cho một nhà phát minh tham vọng khác. Đối với những nhà phát minh trẻ tuổi, cô đã quyết tâm làm tất cả những gì có thể. Cô đã hết lời khen ngợi các công ty đã khởi xướng hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) trong việc cung cấp cho SV trẻ một nền tảng để khám phá nhiều cơ hội trong ngành STEM hơn. Vì vậy khi nhà cung cấp giải pháp điều hòa không khí Taqeef tung ra phiên bản năm 2020 của chương trình học STEM iMatter, Fatima biết đây là điều cô cần phải tham gia.
Được thiết kế để giúp SV áp dụng lý thuyết vào thực tế và làm quen với vai trò của STEM trong công việc tương lai, iMatter giao nhiệm vụ cho SV tìm giải pháp cho các vấn đề khí hậu trong thế giới thực. Fatima nói: “Chương trình có một số bộ óc trẻ thông minh nhất với những ý tưởng tuyệt vời. Tôi đã chớp lấy cơ hội trở thành diễn giả tại sự kiện của họ. Tôi rất vui khi biết các em thích bài phát biểu của tôi và học được một vài thứ từ đây. Thậm chí tôi còn sung sướng khi nhận được một số video phản hồi chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết và lòng biết ơn của người tham gia”.
Fatima cho rằng, chương trình như iMatter đã tạo điều kiện cho nhiều SV hơn trong việc trải nghiệm học tập STEM. Nếu các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội chung tay phát triển giáo dục STEM và đón nhận nhiều cơ hội hơn, chắc chắn sự khác biệt to lớn sẽ xuất hiện và có thêm nhiều nhà khoa học, nhà đổi mới và doanh nhân hơn trong thời gian tới.
Fatima cho biết, ngoài việc học, cô đang tập trung vào việc lấy bằng sáng chế cho một số ý tưởng mới của mình. “Tôi hy vọng sẽ lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo (AI). Tôi đặt mục tiêu thành lập công ty AI của riêng mình trong tương lai và trở thành một giáo sư trong lĩnh vực này”.
Fatima khẳng định ý tưởng phát minh rất đơn giản và ai cũng có thể thực hiện hàng ngày trong cuộc sống của mình. Điều cô coi là quan trọng trong lúc này là thúc đẩy sự phân chia vai trò về giới, thu hút trẻ em gái và phụ nữ tham gia STEM, đồng thời cung cấp cho họ một môi trường để phát triển.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/fatima-al-kaabi-nha-phat-minh-tre-nhat-uae-EReUsh9MR.html