FDA Mỹ cấp phép cho thử nghiệm cấy thiết bị vào não người
Nguồn: Neuralink
* Người bị liệt có thể đi lại nhờ cầu nối kỹ thuật số giữa não, tủy sống
Công ty khởi nghiệp Neuralink của Tỉ phú công nghệ Elon Musk vừa thông báo Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép thử nghiệm cấy thiết bị được công ty này phát triển vào não người.
Thiết bị do Neuralink phát triển được đưa vào não người thông qua phẫu thuật bằng robot, có thể giải mã hoạt động của não và liên kết thiết bị này với máy tính. Cho đến nay, Neuralink mới chỉ thử nghiệm thiết bị này trên động vật. Thiết bị có kích thước bằng đồng xu này đã được cấy vào hộp sọ của khỉ.
Trong một buổi thuyết trình, Neuralink đã cho khán giả xem một số con khỉ chơi các trò chơi điện tử cơ bản hay di chuyển con trỏ trên màn hình thông qua thiết bị của Neuralink.
Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, Neuralink cho rằng việc FDA cho phép triển khai thử nghiệm nghiên cứu trên ở người là bước đi quan trọng để công nghệ của Neuralink có thể giúp đỡ nhiều người. Neuralink không công bố cụ thể các mục tiêu của nghiên cứu, đồng thời cho biết công ty chưa tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.
Tỉ phú Elon Musk đã đăng lại tuyên bố trên, đồng thời cho rằng việc cấy thiết bị do Neuralink phát triển vào não bộ người có thể giúp chữa khỏi nhiều căn bệnh, trong đó có béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt. FDA chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Theo hãng tin Reuters, đầu năm 2022, Neuralink đã đệ trình hồ sơ xin FDA cấp phép thử nghiệm thiết bị trên ở người, song đã bị từ chối.
FDA đã chỉ ra một số lo ngại cần được giải quyết trước khi cho phép thử nghiệm trên người, trong đó có pin lithium của thiết bị, khả năng hệ thống dây di chuyển trong não khi cấy thiết bị, cũng như việc đưa thiết bị này ra khỏi não an toàn mà không ảnh hưởng đến mô não.
Hiện một số công ty cũng đang tiến hành các nghiên cứu tương tự trong đó có công ty Sychron. Tháng 7/2022, Synchron cho biết đã cấy thiết bị giao diện máy tính - não vào 1 bệnh nhân ở Mỹ.
Cụ thể, công ty khởi nghiệp này đã cấy một thiết bị 1,5 inch (khoảng 3,81cm) vào não của một bệnh nhân mắc hội chứng bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) tại trung tâm y tế Mount Sinai West ở New York. Mục đích cấy thiết bị này nhằm cho phép bệnh nhân giao tiếp - ngay cả khi họ đã mất khả năng vận động - bằng cách sử dụng suy nghĩ để gửi email và tin nhắn.
* Theo một báo cáo khoa học đăng trên tạp chí Nature ngày 24/5, một người đàn ông bị liệt đã lấy lại được khả năng đi lại nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của một "cầu nối kỹ thuật số" - khôi phục sự kết nối giữa não và tủy sống.
Bệnh nhân tên là Gert-Jan (yêu cầu được giữ kín về họ) cho biết bước đột phá về y khoa nói trên đã mang lại cho anh "sự tự do mà trước đó tôi không có".
Người đàn ông 40 tuổi, quốc tịch Hà Lan này đã bị liệt cả hai chân hơn 10 năm nay sau khi bị chấn thương cột sống trong một vụ tai nạn xe đạp. Nhưng nhờ có "cầu nối" đặc biệt nói trên, giờ đây anh đã có thể đi bộ "một cách tự nhiên," di chuyển trên những địa hình gồ ghề và thậm chí leo cầu thang.
Bước tiến khoa học này là kết quả hơn 10 năm làm việc của một nhóm các nhà nghiên cứu tại Pháp và Thụy Sĩ. Năm ngoái, nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng việc cấy ghép tủy sống - truyền các xung điện để kích thích chuyển động ở cơ chân - có thể giúp 3 bệnh nhân bị liệt đi lại được.
Tuy nhiên, họ cần nhấn nút để thực hiện mỗi bước di chuyển chân. Theo anh Gert-Jan, điều này khiến việc thực hiện "các bước đi tự nhiên" khá khó khăn hơn.
Trong nghiên cứu mới nhất này, các nhà khoa học đã kết hợp cấy ghép cột sống với công nghệ mới gọi là giao thức não - máy tính, được cấy ghép phía trên phần não điều khiển chuyển động của chân.
Giao thức này sử dụng các thuật toán ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải mã các bản ghi nhớ trong não trong thời gian thực. Điều này cho phép giao thức - do các nhà nghiên cứu thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA) phát triển - nhận biết mỗi khi bệnh nhân muốn di chuyển chân của họ.
Dữ liệu được truyền đến thiết bị cấy ghép tủy sống thông qua một thiết bị di động có thể bỏ vừa trong khung tập đi hoặc balô nhỏ, cho phép bệnh nhân di chuyển mà không cần có sự trợ giúp của người khác.
Hai bộ phận cấy ghép này hợp lại thành một "cầu nối kỹ thuật số" khôi phục kết nối giữa tủy sống và não - điều vốn đã bị gián đoạn sau khi anh Gert-Jan gặp tai nạn.
Anh Gert-Jan chia sẻ: “Giờ đây tôi có thể làm những gì mình muốn - khi tôi quyết định thực hiện một bước đi, mọi thứ sẽ được triển khai ngay khi tôi nghĩ về điều đó”.
Anh đã phải trải qua 2 lần phẫu thuật để cấy ghép cả hai thiết bị này. Nhưng đổi lại, giờ đây anh có thể đứng ở quầy bar và thoải mái uống bia cùng bạn bè.
Ông Gregoire Courtine - chuyên gia thần kinh học thuộc trường Ecole Polytechnique Federale de Lausanne của Thụy Sĩ và là đồng tác giả nghiên cứu trên - cho biết bước tiến mới này "hoàn toàn khác" so với những thành tựu đã đạt được trước đây.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở TP Lausanne (Thụy Sĩ), ông cho biết: “Những bệnh nhân trước đây phải đi bộ với rất nhiều nỗ lực, nhưng giờ đây, họ chỉ cần nghĩ đến việc đi bộ để có thể bước đi”.
Ngoài ra, các bác sĩ còn ghi nhận một dấu hiệu tích cực khác: sau 6 tháng huấn luyện, anh Gert-Jan đã phục hồi một số giác quan và kỹ năng vận động bị mất đi sau vụ tai nạn. Anh thậm chí vẫn có thể đi lại bằng nạng, nếu "cầu nối kỹ thuật số" ngừng hoạt động.
Theo ông Guillaume Charvet, một nhà nghiên cứu tại CEA, "việc thiết lập mối liên hệ giữa não và tủy sống sẽ thúc đẩy quá trình tái tổ chức mạng lưới thần kinh" tại vị trí chấn thương.
Hiện nhóm nghiên cứu đang xem xét khả năng áp dụng công nghệ này cho việc phục hồi chức năng ở cánh tay và bàn tay, đồng thời hy vọng có thể ứng dụng trong điều trị các bệnh khác như chứng tê liệt do đột quỵ.