FDI bất động sản thúc đẩy thị trường tăng trưởng bền vững trong dài hạn

Năm 2022, thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản luôn giữ được vị trí thứ 2 trong thu hút FDI chung nhưng tháng đầu của năm 2023, lĩnh vực này tạm thời để mất ngôi vị trong bảng thu hút đầu tư mới.

Từ khi chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hiệu lực từ ngày 1/1/1988 theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xem là địa phương đi đầu trong lĩnh vực này. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Từ khi chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hiệu lực từ ngày 1/1/1988 theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xem là địa phương đi đầu trong lĩnh vực này. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Bộ Xây dựng dẫn nguồn số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, nguồn vốn ngoại (FDI) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%.

Theo Bộ Xây dựng, FDI vào lĩnh vực bất động sản chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn. Trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong dài hạn.

Nhìn nhận về kết quả thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản năm 2022, ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam cho rằng, thị trường Việt Nam vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động.

“Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh, tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn” - ông Troy Griffiths nhận xét.

Tuy nhiên, tại báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 1/2023 được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính từ đầu năm đến ngày 20/1/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, thời điểm tháng 1/2023, trong số các dự án FDI được cấp mới, những dự án liên quan đến lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có tỷ lệ vốn đăng ký lớn nhất, đạt 651,9 triệu USD, chiếm 54,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 351,2 triệu USD, chiếm 29,1%; các ngành còn lại đạt 201,9 triệu USD, chiếm 16,8%.

Năm 2022, thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản luôn giữ được vị trí thứ 2 trong thu hút FDI chung. Nhưng trong tháng đầu của năm 2023, lĩnh vực bất động sản tạm thời chưa duy trì được vị trí số 2 trong bảng thu hút đầu tư mới. Tuy nhiên, do tháng đầu năm trùng vào dịp nghỉ Tết kéo dài và chỉ là thời gian “khởi động” nên con số này được kỳ vọng sẽ gia tăng và lấy lại thứ hạng cho bất động sản ở những tháng tới.

Các chuyên gia có chung nhận định, tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng có một điểm tích cực là trong tháng 1/2023 có 153 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả thu hút các dự án mới trong tháng 1/2023 vẫn được đánh giá là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội cho Việt Nam trong năm 2023 khi nhiều dự báo cho thấy Việt Nam có thể thu hút từ 36-38 tỷ USD./.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/fdi-bat-dong-san-thuc-day-thi-truong-tang-truong-ben-vung-trong-dai-han/279554.html