FDI bùng nổ: Đòn bẩy nâng tầm kinh tế và vị thế quốc gia
Trong sáu tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bùng nổ với hơn 21,51 tỉ USD.
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong sáu tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 21,51 tỉ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Vượt qua cú sốc ban đầu
“Dù có những lo ngại về thuế nhập khẩu của Mỹ nhưng đến nay, các doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) của chúng tôi vẫn đang duy trì hoạt động và chưa có đơn vị nào rút vốn. Thậm chí đã có nhà đầu tư còn muốn mở rộng đầu tư sau những thông tin đàm phán thuế quan mới. Thực sự chúng tôi đã nhẹ thở” - ông Nguyễn Văn Thanh Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Khu công nghiệp đã tích cực triển khai nhiều giải pháp chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp FDI. Ảnh: MP
Sự nhẹ thở của ông Phương là có lý do, ngay vào đầu tháng 4, sau thông báo thuế quan của Mỹ, ban điều hành KCN đã gặp khá nhiều áp lực khi nhận thấy sẽ có ảnh hưởng đến nhiều khách hàng sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Một kịch bản hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động tại KCN được kích hoạt. “Chúng tôi ngay lập tức giãn tiến độ thanh toán hằng năm và hỗ trợ về các loại phí khác như phí xử lý nước thải, phí quản lý hạ tầng để đồng hành cùng họ.
Sau đó, dù ông Trump hoãn thuế quan đối ứng trong vòng 90 ngày nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục lắng nghe và chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư. Hiện nay, nhiều thông tin thuế quan khó đoán định, thách thức vẫn còn nhiều nhưng doanh thu của KCN Long Khánh vẫn chạm mốc hơn 90 tỉ đồng, đạt gần 60% kế hoạch của năm và có khả năng vượt kỳ vọng cả năm 2025” - ông Phương chia sẻ.
Niềm tin của ông Phương cũng đang song hành với nhận định của nhiều công ty quốc tế. Các chuyên gia phân tích của Tập đoàn Dezan Shira & Associastes, chuyên hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài thiết lập, duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh tại châu Á cho biết dù thuế quan của ông Trump vẫn khó đoán nhưng niềm tin của nhà đầu tư về Việt Nam (VN) vẫn tăng mạnh.

Việt Nam thu hút đầu tư dự án trung tâm dệt may tuần hoàn trị giá 1 tỉ USD của SYRE (Thụy Điển). Ảnh: MP
Điển hình VN tiếp tục thu hút các khoản đầu tư lớn, bao gồm dự án trung tâm dệt may tuần hoàn trị giá 1 tỉ USD của SYRE (Thụy Điển). Các dự án mở rộng lớn như dự án Công viên Yên Sở 1,1 tỉ USD và Nhà máy LEGO 1,3 tỉ USD tại Bình Dương, đã nhấn mạnh niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng dài hạn của VN như một trung tâm sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Một báo cáo mới đây của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham) cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại VN vẫn giữ niềm tin vào khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng của thị trường.
Các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục coi VN là điểm đến chiến lược nhờ vào các yếu tố: Vị thế ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự cải thiện trong cải cách hành chính như giảm thủ tục giấy tờ, tăng cường chính phủ số, nhu cầu nội địa ổn định và dòng dịch chuyển đơn hàng và sản xuất từ các thị trường khác trong khu vực sang VN.
Tiềm năng dài hạn
Tập đoàn VinaCapital đánh giá vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN vẫn duy trì ở mức rất cao, với tổng vốn FDI đăng ký trong năm tháng đầu năm 2025 đã vượt 15 tỉ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ và tương đương hơn 7% GDP.
Trong bối cảnh chưa có thỏa thuận cuối cùng, chỉ cần mức thuế áp lên hàng VN không cao hơn 10% so với các nước trong khu vực thì các lợi thế về chất lượng lao động, chi phí, nhân khẩu học và vị trí địa lý vẫn tiếp tục giúp VN giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất toàn cầu và dòng vốn FDI trong nhiều năm tới.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI Research, nhận định nếu mức chênh lệch thuế quan giữa VN và các nước trong khu vực không quá cao, chỉ vài phần trăm thì đó không phải là lý do để các nhà đầu tư nước ngoài rời VN và tìm địa điểm khác để thiết lập nhà máy.
Về phía VN, Chính phủ cũng đã và đang có rất nhiều chính sách để hỗ trợ các nhà đầu tư nếu họ bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế đối ứng, ví dụ các chính sách ưu đãi về thuế hay chính sách liên quan đến tiếp cận đất đai.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực trong sáu tháng đầu năm 2025. Ảnh: MP
Chẳng hạn, các doanh nghiệp có thể được hưởng mức thuê đất trong KCN vừa phải và thấp hơn, giúp giảm bớt gánh nặng chi phí.
Ngoài ra, trong Luật Công nghiệp công nghệ số và các văn bản liên quan, đã có những quy định về việc hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các nhà đầu tư vào công nghệ cao tại VN, sử dụng ngân sách địa phương để giải quyết. Nhìn chung, có khá nhiều chính sách được thiết kế để hỗ trợ nhà đầu tư trong giai đoạn này. Trong thời gian tới, thuế quan vẫn sẽ có tác động đến dòng vốn FDI tại VN nhưng vẫn có giải pháp để giữ chân các nhà đầu tư.
Việt Nam tăng tốc cải cách thể chế đón đầu dòng vốn FDI
Trong bối cảnh chính sách thuế quan từ Mỹ đang tạo ra những biến động mới trên thị trường toàn cầu, VN đang chứng tỏ khả năng thích ứng mạnh mẽ thông qua những nỗ lực cải cách thể chế quyết liệt. Đây là một trụ cột ưu tiên hàng đầu của Quốc hội và Chính phủ, nhằm tạo lập một hành lang pháp lý thông thoáng và hiệu quả, hấp dẫn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.
Quá trình làm luật hiện nay đang được đẩy nhanh đáng kể với cơ chế “cho ý kiến nếu đủ điều kiện sẽ thông qua ngay”, thay vì kéo dài qua nhiều kỳ họp như trước đây. Mục tiêu rõ ràng là tạo lập một nền tảng pháp lý mới một cách nhanh chóng, giúp giảm thiểu gánh nặng tuân thủ cho các doanh nghiệp FDI. Sự thay đổi này thể hiện quyết tâm của VN trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc thiết lập và mở rộng hoạt động.
Một trong những cải cách nổi bật là vai trò quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi). Với các quy định mới, việc tiếp cận đất đai trở nên minh bạch và công bằng hơn, giảm thiểu đáng kể các thủ tục hành chính phức tạp. Đặc biệt, những quy định về quỹ đất dành cho doanh nghiệp nước ngoài trong các khu, cụm công nghiệp được đánh giá là công bằng hơn bao giờ hết, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI.
Tuy nhiên, các nghị quyết hay chủ trương chỉ là bước khởi đầu. Điều cốt yếu là phải thể chế hóa những định hướng này thành các luật pháp cụ thể và dễ dàng áp dụng. Giới doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi, bổ sung hàng loạt luật liên quan như Luật Đầu tư, nhằm tạo ra sự đột phá thật sự trong việc thu hút và quản lý FDI.
Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
TS Đặng Thảo Quyên, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại ĐH RMIT VN, cho biết sự thay đổi gần đây trong chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là các mức thuế quan mới áp lên hàng Việt, đang hé lộ triển vọng không đồng đều cho các nhà đầu tư nước ngoài ở VN.
Một số ngành có thể duy trì khả năng chống chịu, trong khi các ngành khác sẽ chịu áp lực lớn hơn. Do đó, phản ứng chiến lược từ phía Chính phủ VN sẽ đóng vai trò then chốt để duy trì sức hút FDI.
Theo TS Quyên, các ngành công nghệ cao như điện tử, dược phẩm và năng lượng được dự đoán sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi thuế quan, nhờ các chính sách miễn trừ và sự quan tâm ngày càng tăng từ giới đầu tư. Điều này phản ánh những thành tựu chính sách của VN trong lĩnh vực công nghệ và các dự án đầu tư bền vững.
Các khoản đầu tư gần đây như quyết định rót thêm 1,07 tỉ USD vào tỉnh Bắc Ninh của Amkor Technology hay dự án 4,9 triệu USD của BE Semiconductor Industries N.V tại Khu công nghệ cao TP.HCM là những minh chứng rõ nét.
Để duy trì đà phát triển này, Chính phủ VN cần tiếp tục ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao thông qua các ưu đãi hấp dẫn. Đồng thời, cần đảm bảo môi trường pháp lý ổn định, được củng cố bởi hệ thống chính phủ điện tử hiệu quả nhằm tăng tính minh bạch trong phê duyệt dự án, qua đó giảm thiểu quan ngại về các thay đổi chính sách.
Các vấn đề về năng lượng cũng cần được giải quyết triệt để vì đây vốn là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các cơ quan xúc tiến đầu tư nên xem xét phát triển một nền tảng hỗ trợ đầu tư theo vùng dựa trên trí tuệ nhân tạo, giúp hướng nhà đầu tư đến các địa phương phù hợp nhất, từ đó tăng niềm tin giữa các bên và nâng cao hiệu quả.
“Cũng nên cân nhắc triển khai hệ thống giao dịch tín chỉ carbon gắn với FDI để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu” - vị chuyên gia ĐH RMIT khuyến nghị.
92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), từ đầu năm đến nay, 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại VN. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 4,6 tỉ USD, chiếm hơn 21,4% tổng vốn đầu tư, giảm 24,8% so với cùng kỳ.
Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3 tỉ USD, chiếm gần 14,3% tổng vốn đầu tư, gấp hơn hai lần cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia với số vốn lần lượt là 2,55 tỉ USD; 2,15 tỉ USD và 1,59 tỉ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, TP trên cả nước trong sáu tháng đầu năm 2025. TP Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,66 tỉ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ.
Bắc Ninh đứng thứ hai với gần 3,15 tỉ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,1% so với cùng kỳ. TP.HCM đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,7 tỉ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực trong sáu tháng đầu năm 2025.
Đáng chú ý, vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp 2,2 lần và vốn góp, mua cổ phần tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2024. Cả số lượng dự án đầu tư mới, số lượt điều chỉnh vốn và giao dịch vốn góp, mua cổ phần đều tăng, phản ánh rõ nét niềm tin ngày càng được củng cố của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại VN.
Nhà đầu tư không chỉ tiếp tục lựa chọn VN là điểm đến mới mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô các dự án hiện hữu.
Ý KIẾN
TS HUỲNH THANH ĐIỀN, ĐH Nguyễn Tất Thành
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn dòng vốn FDI

Trong bối cảnh thuế quan toàn cầu đầy bất định, dòng vốn FDI vào VN trong sáu tháng đầu năm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Việc FDI tăng mạnh có nhiều lý do, bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Về mặt khách quan, trong khi các khu vực khác như châu Âu đang đối mặt với chiến sự phức tạp và các chính sách thuế quan bất ổn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nổi lên là điểm đến năng động. Các cường quốc trong khu vực như Ấn Độ (xung đột biên giới, đàm phán thuế quan khó khăn với Mỹ) và Trung Quốc (bị Mỹ áp thuế cao) lại gặp nhiều bất ổn. Trong bối cảnh đó, VN trở thành lựa chọn hấp dẫn nhất trong ASEAN, với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất thế giới trong những năm qua.
Về mặt chủ quan, VN đã luôn theo đuổi đường lối ngoại giao đa phương và song phương linh hoạt. Việc ký kết tới 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều thị trường mang lại cho các nhà đầu tư sự yên tâm.
Nhờ đó, các doanh nghiệp FDI vẫn có thể xuất khẩu sang các thị trường khác đã có FTA với VN. Các nhà đầu tư nhìn nhận rằng VN có sự ổn định chính trị, đường lối ngoại giao ôn hòa, tránh được xung đột, từ đó mang lại cảm giác an toàn hơn khi đầu tư.
Đặc biệt, VN còn cho thấy sự chủ động và linh hoạt trong đàm phán. Ngay sau khi Mỹ áp thuế, lãnh đạo cấp cao của VN đã nhanh chóng đối thoại, bày tỏ sẵn sàng đưa thuế về 0% và mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ để thương lượng lại mức thuế. Hành động chủ động và mở cửa này khác biệt với nhiều nước ASEAN khác (chờ đàm phán tập thể), giúp VN được cộng đồng quốc tế và nhà đầu tư đánh giá cao.
Các doanh nghiệp đã ở VN cảm nhận được sự ổn định chính trị, cam kết và quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới. Họ nhận thấy VN là môi trường thuận lợi để đầu tư và mở rộng, do đó tiếp tục rót thêm vốn.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, phần lớn sự tăng trưởng này đến từ việc các nhà đầu tư đã có mặt tại VN điều chỉnh tăng vốn đăng ký chứ không phải từ vốn đăng ký mới. Trên thực tế, vốn đăng ký mới có giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Việc vốn đăng ký mới giảm cho thấy các nhà đầu tư mới vẫn còn một mức độ e dè nhất định trước bối cảnh thuế quan bất định. Tuy nhiên, những ai đã “hiểu” VN thì vẫn mạnh dạn mở rộng.
Để tiếp tục thu hút FDI, đặc biệt là FDI chất lượng cao trong môi trường nhiều bất định, VN cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, không còn chạy theo số lượng dự án để lấp đầy KCN.
Quy hoạch KCN cần rõ ràng hơn, tập trung thu hút những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cao và có tiêu chí rõ ràng.
Chính sách ưu đãi cần được xây dựng rõ ràng, linh hoạt như nếu không ưu đãi được thuế thì ưu đãi bằng hình thức khác để mời gọi các doanh nghiệp đúng mục tiêu.
Để duy trì và nâng tầm sức hút FDI, đặc biệt là hướng tới chất lượng cao, VN cần tiếp tục kiên định trong việc cải cách thể chế, đảm bảo cam kết chính sách và chuẩn bị đầy đủ các yếu tố hạ tầng then chốt.
Ông ĐINH ĐỨC MINH, Giám đốc đầu tư cấp cao Tập đoàn VinaCapital
Việt Nam “đi trước một bước” trong đàm phán thuế quan giúp thu hút FDI

Trong bối cảnh chính sách thuế quan toàn cầu vẫn còn nhiều bất định, VN đang nổi lên như một điểm sáng với những tín hiệu tích cực về thu hút FDI. Mặc dù đối mặt với những thách thức từ chính sách thương mại của Mỹ, việc VN đạt được thỏa thuận nguyên tắc về thuế sớm hơn các quốc gia khác, cùng với chiến lược linh hoạt của Mỹ, đang tạo nên một bức tranh lạc quan cho dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Điểm tích cực đáng chú ý nhất là VN đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về thuế với Mỹ trước hầu hết các nước khác. Đây không chỉ là một thắng lợi ngoại giao mà còn là tín hiệu mạnh mẽ về năng lực thích ứng và khả năng đối thoại của VN trong các vấn đề thương mại phức tạp. Việc sớm có được một khung thỏa thuận giúp VN giảm thiểu sự bất định, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đang hoạt động và các nhà đầu tư tiềm năng.
Hiện tại giới đầu tư đã có một cái nhìn tương đối tổng thể về bức tranh thuế quan. Các quốc gia tích cực đàm phán, trong đó có VN, có khả năng sẽ nhận được mức thuế thấp hơn đáng kể so với mức thuế Tổng thống Trump đã đề xuất vào đầu tháng 4.
Theo nhận định chung, mức thuế cuối cùng dành cho VN sẽ không quá chênh lệch nhiều so với các nước khác. Điều này là cực kỳ quan trọng, bởi nó đủ để VN duy trì năng lực cạnh tranh về xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Khi chi phí đầu vào không quá khác biệt so với đối thủ, hàng hóa VN vẫn giữ được sức hấp dẫn.
Quan trọng hơn, mức thuế hợp lý này cũng đủ để VN tiếp tục duy trì sức hút đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư FDI, đặc biệt là những người đang tìm kiếm địa điểm sản xuất an toàn, ổn định và hiệu quả trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái định hình, sẽ tiếp tục coi VN là một lựa chọn ưu tiên.
Nguồn PLO: https://plo.vn/fdi-bung-no-don-bay-nang-tam-kinh-te-va-vi-the-quoc-gia-post860172.html