Ninh Bình từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thu hút đầu tư quốc gia
Sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, tỉnh Ninh Bình đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với quy mô lớn, tiềm năng rộng mở và tầm nhìn dài hạn. Không chỉ giữ vững vai trò là trung tâm văn hóa - du lịch trọng điểm quốc gia, tỉnh còn vươn lên mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, từng bước khẳng định vị thế là điểm đến chiến lược của các dòng vốn trong và ngoài nước, qua đó tạo dựng hình ảnh một địa phương năng động, hiện đại, hội nhập và đáng tin cậy trên bản đồ đầu tư quốc gia.

KCN Gián Khẩu được đầu tư đồng bộ hạ tầng là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Ngọc Linh
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Việc sáp nhập địa giới hành chính đã đưa tỉnh Ninh Bình lên một tầm vóc mới với dân số hơn 4,4 triệu người và diện tích gần 4.000 km², trở thành một trong những địa phương có quy mô lớn của cả nước. Lợi thế về vị trí địa lý, khi nằm giữa Thủ đô Hà Nội và vùng Bắc Trung Bộ, được củng cố thêm nhờ hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ gồm cao tốc Bắc - Nam, đường sắt quốc gia, tuyến sông Hồng và hành lang ven biển. Những điều kiện này không chỉ tạo ra khả năng kết nối nhanh chóng với các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa mà còn mở ra không gian phát triển đa chiều, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị liên vùng.

Tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng kết nối Ninh Bình với các vùng kinh tế trọng điểm của vùng. Ảnh: Anh Tuấn
Trên nền tảng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác xúc tiến đầu tư với tinh thần chủ động, linh hoạt và bám sát thực tiễn. Tỉnh xác định tăng cường xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực, khu vực trọng điểm; tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các dự án động lực như Khu Đại học Nam Cao, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng phục vụ cho các nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh triển khai công tác quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, từ truyền thông số đến các hội nghị xúc tiến chuyên đề, giúp lan tỏa thương hiệu địa phương và kết nối hiệu quả với các đối tác tiềm năng.
UBND tỉnh cũng duy trì thường xuyên các cuộc tiếp doanh nghiệp định kỳ để trực tiếp lắng nghe, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và cho ý kiến tháo gỡ với tinh thần nhanh chóng, rõ ràng, đúng pháp luật. Phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp” đã và đang trở thành nét đặc trưng trong cách tiếp cận điều hành. Nhiều cuộc họp chuyên đề giữa nhà đầu tư và các sở, ngành được tổ chức kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các dự án lớn. Tỉnh cũng tích cực đón tiếp các đoàn công tác quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, trong đó có các tập đoàn, hiệp hội ngành hàng, tổ chức tài chính quan tâm đến hợp tác đầu tư dài hạn tại địa phương.

Các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Khu Đại học Nam Cao. Ảnh: Minh Thu
Song hành với hoạt động xúc tiến, cải cách hành chính được xem là trụ cột quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó nổi bật là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa nền hành chính. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được duy trì và mở rộng; dịch vụ công trực tuyến được nâng cấp; nhiều thủ tục được cắt giảm theo tinh thần Nghị quyết 66/NQ-CP. Đặc biệt, mô hình “Luồng xanh 16 giờ” và “Luồng xanh 50%” trong xử lý thủ tục hành chính đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường.
Những nỗ lực trên đã mang lại kết quả tích cực: Trong đó, tỉnh Ninh Bình (cũ) chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2024 đạt 91,38%, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2023; chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 85,34%, xếp thứ 14 toàn quốc; chỉ số PCI đạt 69 điểm, đứng thứ 17 cả nước; chỉ số PAPI đạt 43,95 điểm, xếp thứ 24/63. Tỉnh Nam Định (cũ) đạt 88,69% PAR INDEX, tăng 1,37%; chỉ số về chính quyền số đạt 95,99%, đứng đầu cả nước, PCI đạt 66,97 điểm, cao hơn năm trước 0,3 điểm. Tỉnh Hà Nam (cũ) đạt PAR INDEX 88,67%, SIPAS 84,49%, và PCI tăng mạnh 14 bậc so với năm 2023. Đây là những nền tảng quan trọng góp phần củng cố lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình mới.
Thu hút đầu tư có chiều sâu, hiệu quả
Với những chuyển động quyết liệt trong tổ chức không gian phát triển, đầu tư hạ tầng, cải cách thể chế và xúc tiến đầu tư, Ninh Bình đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ thu hút đầu tư quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã thu hút 148 dự án đầu tư mới với tổng số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Ninh Bình (cũ) cấp mới 19 dự án với tổng vốn trên 9.000 tỷ đồng, bao gồm 3 dự án FDI có tổng vốn hơn 20 triệu USD. Tỉnh Hà Nam (cũ) thu hút 93 dự án với tổng vốn 650 triệu USD và 13.300 tỷ đồng. Tỉnh Nam Định (cũ) có 36 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 15.500 tỷ đồng và 124 triệu USD.

Day chuyền sản xuất giày xuất khẩu của Công ty Ever Great tại Cụm công nghiệp Gia Vân. Ảnh: Nguyễn Thơm
Đáng chú ý, cùng với dòng vốn FDI, số lượng doanh nghiệp trong nước thành lập mới cũng tăng nhanh. Trong nửa đầu năm, toàn vùng có 1.376 doanh nghiệp mới với tổng vốn đăng ký trên 18.200 tỷ đồng. Những con số này cho thấy niềm tin ngày càng gia tăng vào môi trường đầu tư và năng lực điều hành của chính quyền địa phương.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tìm thấy tại Ninh Bình cơ hội phát triển bền vững. Ông Liêu Hán Minh, Chủ tịch Công ty TNHH BKY Investment (Đài Loan) - đơn vị đang triển khai dự án công nghệ cao tại Cụm công nghiệp Văn Phong chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư tại Ninh Bình bởi sự ổn định, minh bạch và cầu thị. Tỉnh không chỉ có tiềm năng về vị trí, hạ tầng mà còn có chính quyền đồng hành thực chất. Việc các tỉnh trong vùng hợp nhất sẽ tạo ra thị trường lớn, chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao của chúng tôi”.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy dệt nhuộm TOP TEXTILES, KCN Rạng Đông. Ảnh: Nguyễn Thơm
Thời gian tới, Ninh Bình xác định một số giải pháp trọng tâm để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Trước hết, tỉnh sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển không gian vùng, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ và khả năng mở rộng. Tiếp theo, tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp và vùng động lực, ưu tiên các dự án trọng điểm có sức lan tỏa. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số toàn diện trong công tác điều hành, quản lý đầu tư; triển khai cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp văn hóa. Tỉnh cũng sẽ nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, giữ chân và hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu mở rộng quy mô, tạo ra giá trị gia tăng và việc làm bền vững.
Với tư duy đổi mới, hành động quyết liệt và sự đồng hành thực chất cùng nhà đầu tư, Ninh Bình đang tự tin bước vào một giai đoạn phát triển mới, bền vững và hiệu quả hơn. Định vị lại vị thế không chỉ là mục tiêu, mà là quá trình được tỉnh hiện thực hóa từng bước vững chắc, bằng chính sách đúng đắn, tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển mạnh mẽ.