Khởi đầu không nằm ở chính sách
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều biến động, từ bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng đến áp lực chuyển đổi xanh và số hóa, nền kinh tế Việt Nam cũng bước vào giai đoạn mới với những yêu cầu khắt khe hơn về năng lực nội tại. Tăng trưởng không thể chỉ trông vào khu vực FDI hay đầu tư công mà phải dựa vào khu vực tư nhân như một động lực then chốt.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 đang được triển khai thuận lợi, sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Ảnh: T.L
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành định hướng chiến lược và sự khẳng định không thể có nền kinh tế tự cường nếu thiếu doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ.
Trong đó, mục tiêu rất cụ thể được đưa ra là khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân 10-12%/năm; đến năm 2030 đóng góp 55-60% GDP, trở thành lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Nhìn từ Thái Nguyên, một địa phương có ngành công nghiệp năng động, với hạ tầng phát triển và nguồn nhân lực dồi dào, chủ trương này không mới nhưng tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc chuyển từ đồng hành mang tính hỗ trợ sang kiến tạo môi trường phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Tính đến đầu năm 2025, Thái Nguyên có hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong những năm gần đây, tỉnh luôn quán triệt quan điểm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” với doanh nghiệp, thành lập trung tâm phục vụ hành chính công hiện đại, hoàn thiện các cơ chế về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…
Không chỉ dừng ở khẩu hiệu, các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên, là minh chứng cho tinh thần cởi mở của chính quyền.
Dẫu vậy, như chính đại diện nhiều doanh nhân từng chia sẻ, để doanh nghiệp phát triển bền vững thì điều quan trọng không chỉ là có chính sách, mà là chính sách có đến được đúng đối tượng, đúng thời điểm hay không.
Vấn đề hiện nay không phải thiếu chủ trương, mà là làm sao để thực thi hiệu quả, tránh những độ trễ gây mất cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô nhỏ và tiềm lực hạn chế.
Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, làn sóng FDI đổ vào Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng, đang tạo nên áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp nội địa. Nhiều doanh nghiệp lo ngại bị “thất thế” ngay trên sân nhà.
Nhưng nếu được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, kết nối thị trường, thì chính khu vực tư nhân nội địa mới là lực lượng bảo vệ năng lực cạnh tranh dài hạn của nền kinh tế địa phương.
Điều đáng mừng là Thái Nguyên đã có nhiều doanh nghiệp nỗ lực vươn lên trong chuỗi giá trị, từng bước tham gia các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất xanh, xuất khẩu hàng hóa chất lượng cao.
Đúng như tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh về việc đề cao đạo đức kinh doanh, không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã tích cực gắn với trách nhiệm xã hội; doanh nhân không chỉ là người làm giàu cho bản thân mà còn là người kiến tạo giá trị cho xã hội.
Với những gì đã và đang thực hiện, Thái Nguyên có cơ sở để tin vào một giai đoạn phát triển mới, trong đó doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành chủ thể kiến tạo.
Cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền khi được đặt trong một môi trường minh bạch, đáng tin cậy và được tiếp sức kịp thời, mỗi bước đi đều có sự đồng hành tích cực, hiệu quả của chính quyền và các cơ quan chuyên môn.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/khoi-dau-khong-nam-o-chinh-sach-49908d2/