FECON (FCN) lỗ gần 7 tỷ quý 1/2025

CTCP FECON (HOSE: FCN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với khoản lỗ ròng gần 7 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp chìm trong sắc đỏ. Kết quả này khiến mục tiêu lợi nhuận 200 tỷ đồng đầy tham vọng trong năm 2025 đối mặt với thách thức lớn.

Trong quý đầu năm 2025, FCN ghi nhận doanh thu thuần gần 821 tỷ đồng, tăng đáng kể 34% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng doanh thu chưa đủ bù đắp các khoản chi phí, khiến doanh nghiệp vẫn báo lỗ ròng gần 7 tỷ đồng. Mức lỗ này không cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hơn 7 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1/2024.

Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kém khả quan này là do áp lực từ chi phí vận hành và tài chính. Tổng chi phí trong kỳ của FCN lên tới gần 129 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chi phí lãi vay chiếm gần một nửa con số này với 58 tỷ đồng, tăng tới 21% so với quý 1/2024. FCN giải thích rằng trong quý 1/2024, công ty nhận được các khoản tạm ứng thi công giá trị lớn, giúp giảm đáng kể dư nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, sang năm 2025, không có yếu tố tương tự hỗ trợ, khiến chi phí lãi vay tăng cao.

Thêm vào đó, doanh thu tài chính của FCN cũng sụt giảm mạnh 36%, chỉ còn đạt gần 6 tỷ đồng, càng khiến kết quả kinh doanh thêm khó khăn.

Nhìn về kế hoạch cả năm 2025, FCN đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu hợp nhất kỷ lục 5.000 tỷ đồng, tăng 48% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 200 tỷ đồng, gấp 6,6 lần và là mức cao nhất kể từ năm 2020.

Tuy nhiên, với kết quả lỗ ròng gần 7 tỷ đồng trong quý đầu năm, FCN mới chỉ hoàn thành khoảng 16% kế hoạch doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận 200 tỷ đồng.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra mới đây, ban lãnh đạo FCN bày tỏ sự lạc quan. Ông Nguyễn Văn Thanh, Thành viên HĐQT, cho biết giá trị các hợp đồng backlog chuyển tiếp sang năm 2025 còn khoảng 2.500 tỷ đồng. Đến hết quý 1/2025, Công ty đã ký mới được khoảng 1.300 tỷ đồng hợp đồng nữa, cho thấy kế hoạch kinh doanh năm nay đặt ra là có cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Nghiên, Giám đốc tài chính, thông tin thêm về cơ cấu đóng góp lợi nhuận theo kế hoạch 200 tỷ đồng: mảng thi công dự kiến đóng góp 55 tỷ đồng, trong khi mảng đầu tư (từ các dự án như Phổ Yên - Thái Nguyên, cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái) dự kiến đóng góp tới 145 tỷ đồng. Điều này cho thấy FCN đặt kỳ vọng lớn vào các dự án đầu tư để đạt mục tiêu lợi nhuận cao.

Quay trở lại bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của FCN tại thời điểm cuối quý 1/2025 đạt gần 9.905 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Phần lớn tài sản là tài sản ngắn hạn với hơn 6.411 tỷ đồng, tăng 1% và chiếm 65% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, lượng tiền mặt nắm giữ sụt giảm mạnh 41%, chỉ còn gần 279 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho tăng 13%, lên hơn 1.900 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của FCN tăng 3% so với đầu năm, lên gần 6.547 tỷ đồng. Nợ vay tài chính tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với 4.021 tỷ đồng (tăng 3% so với đầu năm) và chiếm tới 61% tổng nợ phải trả. Cơ cấu nợ cao vẫn là yếu tố cần theo dõi đối với doanh nghiệp này.

Nhã Liên

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/fecon-fcn-lo-gan-7-ty-quy-12025-82712.html