Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc chơi thua - thua
Những cuộc đối đầu kinh tế căng thẳng và kéo dài, đặc biệt giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng, có thể làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu, kích hoạt một cuộc suy thoái diện rộng và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.

Ảnh minh họa.
Giới phân tích cho rằng, khi tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng loạt quốc gia, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm về việc không ngần ngại phát động “thương chiến” với cả đồng minh và các đối tác thương mại.
Việc chính phủ Mỹ hoãn áp mức thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ phần lớn đối tác trong vòng 90 ngày, chỉ vài tiếng sau khi chính sách thuế quan mới có hiệu lực, khá bất ngờ. Nhưng mức thuế 10% còn lại vẫn là đợt tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, khiến nhiều đồng minh lâu năm của Mỹ cũng phải choáng váng.
Đáng chú ý, tiếp tục leo thang căng thẳng với “kỳ phùng địch thủ” Trung Quốc, Nhà Trắng quyết nâng mức thuế quan lên đến 145% và ngay lập tức Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế 125% với hàng Mỹ.
Đằng sau “canh bạc”
“Khả năng cao là chúng ta không chỉ đọc về câu chuyện này trên mặt báo hôm nay, mà sẽ thấy nó được ghi vào sử sách trong nhiều thập kỷ tới”, Giáo sư Jason Furman, chuyên gia chính sách kinh tế tại Trường Harvard Kennedy bình luận.
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng bất lợi cho Mỹ - đe dọa làm xói mòn vị thế mà Washington đã dày công gây dựng suốt nhiều thập kỷ. Bởi theo GS. Furman, “lâu nay, Mỹ luôn có lợi thế vượt trội nhờ vào mạng lưới liên minh sâu sắc và bền vững - điều mà Trung Quốc không thể sánh bằng. Giờ đây, lợi thế đó đang bị thử thách nghiêm trọng khi Washington đang khiến các đồng minh nổi giận đến mức có thể không hàn gắn được”.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố, mục tiêu của ông - một phần cốt lõi trong chiến lược Nước Mỹ trên hết - là phục hồi ngành sản xuất trong nước. Ông hứa hẹn “việc làm và nhà máy sẽ đổ về Mỹ như vũ bão”. Thế nhưng, chính những nhà kinh tế Mỹ lại tỏ ra hoài nghi rằng, cuộc chiến thương mại có thực sự đưa sản xuất và việc làm trở lại. Họ còn cảnh báo “chiến dịch thuế quan” còn có thể làm lung lay vị thế trung tâm công nghệ cao thế giới của Mỹ.
Ông chủ Nhà Trắng và những người ủng hộ thường mô tả cuộc chiến thuế quan như một nỗ lực nhằm vực dậy cộng đồng bị tổn thương vì làn sóng việc làm đổ ra nước ngoài. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, rất khó để đưa nước Mỹ trở về thời kỳ hoàng kim sản xuất của thập niên 1970. Hơn nữa, các biện pháp thuế khắc nghiệt, khó có thể xóa được tình trạng mất việc làm triền miên hay khiến hàng hóa trở nên rẻ hơn cho người tiêu dùng Mỹ.
Một báo cáo từ Phòng nghiên cứu ngân sách Đại học Yale mới đây cảnh báo, thuế quan của Nhà Trắng có thể khiến thu nhập khả dụng trung bình của mỗi hộ gia đình Mỹ giảm tới 4.689 USD. Hộ thu nhập thấp có thể mất ít hơn về số tuyệt đối, nhưng tổn thất này lại chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong tổng thu nhập của họ.
Ông Trump đặt cược rằng, nhiều người Mỹ – hoặc ít nhất là phần lớn cử tri ủng hộ ông – sẽ chấp nhận giá cả hàng nhập khẩu tăng vọt trong ngắn hạn, với kỳ vọng đổi lấy việc làm quay trở lại Mỹ trong dài hạn. Họ cũng tin rằng, thuế quan sẽ giúp thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành công nghệ và đổi mới sáng tạo của Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo nền sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như ô tô và thiết bị điện tử, đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu như thép, nhôm, chất bán dẫn và vi mạch máy tính. Việc đánh thuế không khéo có thể khiến chi phí sản xuất tại Mỹ đội lên cao hơn.
Chưa dừng lại ở đó, một thách thức lớn khác là... người lao động Mỹ không còn mặn mà với những kiểu công việc mà công nhân ở các quốc gia đang phát triển chấp nhận làm. Nhà nghiên cứu cao cấp Jayant Menon của Viện ISEAS-Yusof Ishak Singapore chỉ rõ, “lực lượng lao động ở Mỹ không hề thiết tha quay lại với những ngành sản xuất đã rời bỏ nước này - những công việc tẻ nhạt, lặp đi lặp lại và thù lao thấp...”.
Ông phân tích, chẳng hạn, quần áo hay giày dép được sản xuất ở nước ngoài với chi phí cực cạnh tranh, trong khi phần giá trị gia tăng lớn nhất lại được tạo ra ở Mỹ – khi các sản phẩm được gắn thương hiệu và bày bán tại các cửa hàng bán lẻ. Ở khía cạnh này, “Mỹ đang hưởng phần lớn lợi nhuận từ toàn cầu hóa”.
Theo đó, nhà kinh tế học Jayant thẳng thắn cảnh báo, “từ nay các nước sẽ bắt đầu tìm cách giao thương toàn cầu mà không cần đến Mỹ. Nếu Mỹ vẫn muốn tiếp tục tiêu dùng như hiện tại, họ sẽ phải trả giá rất đắt”.
Có thể "ly hôn"?
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể cắt giảm mạnh hoạt động trao đổi hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế chiếm tới 43% GDP toàn cầu.
“Đến một mức độ nào đó, nếu thuế suất lên tới 100%, 200% thì con số thương mại cụ thể chẳng còn quan trọng nữa, bởi giao thương lúc ấy sẽ gần như vô nghĩa”, nhà nghiên cứu về Trung Quốc Zongyuan Zoe Liu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ bình luận.
Nếu hai nền kinh tế tách rời hoàn toàn, thế giới sẽ hình thành hai chuỗi cung ứng riêng biệt, một xoay quanh Trung Quốc và một gắn với Mỹ. Nhưng thực tế lại không dễ chia đôi như vậy. Chính quyền Tổng thống Trump gần đây vẫn phải miễn trừ thuế cho một loạt sản phẩm điện tử – minh chứng rằng việc tách rời hoàn toàn, ít nhất trong lĩnh vực công nghệ là vô cùng khó khăn.
So sánh về tương quan, PGS. Wendong Zhang tại Đại học Cornell (Mỹ), nhận định, hai nền kinh tế gắn kết chặt chẽ với nhau, nhưng nổi lên vai trò áp đảo của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đồ điện tử đến kim loại đất hiếm.
Các nhà kinh tế đồng thuận cho rằng, ít nhất trong ngắn hạn, chẳng quốc gia nào hưởng lợi từ việc chính quyền Tổng thống Trump triển khai các biện pháp thuế quan một cách thiếu trật tự. “Cuối cùng sẽ chẳng có người chiến thắng. GDP thực tế của Mỹ có thể giảm hơn 2,5%, nhưng kinh tế Trung Quốc cũng có thể sẽ chịu tổn thất lớn hơn tính theo tỷ lệ phần trăm”, PGS. Zhang dự báo.
Nguy cơ “thua cả đôi đường”
“Về sức mạnh toàn cầu và kinh tế thế giới, đây là cuộc chơi thua - thua”, PGS. Wendong Zhang kết luận.
Thực tế cho thấy “cuộc chiến thuế quan” không chỉ tác động đến các đối tác của Mỹ mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ và thương mại toàn cầu. Bằng chứng rõ nhất là việc ngay sau quyết định áp thuế đối ứng của Mỹ đối với các nước, thị trường thế giới đã có những phản ứng tức thì.
Giá dầu thế giới đảo chiều giảm mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” với chỉ số Dow Jones giảm 2,2%, S&P 500 giảm 3,2% và Nasdaq-100 giảm 4.1%. Trong khi đó, giá vàng tại New York tăng vọt lên mức chưa từng có. Thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc… đồng loạt giảm lần lượt 4% và 1,29%.
Các chuyên gia cảnh báo, mức thuế mới có thể làm gia tăng lạm phát và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào nguy cơ suy thoái. Việc áp thuế sẽ đảo ngược tiến trình tự do hóa thương mại định hình trật tự kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ.
Nguy cơ này càng nghiêm trọng nếu các đối tác thương mại của Mỹ đưa ra các biện pháp trả đũa cực đoan. Khi các “hàng rào” thuế quan dựng lên theo cách này, sản lượng công nghiệp toàn cầu có thể sụt giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi.
Tại Trung Quốc, “nếu Bắc Kinh tung ra các gói kích thích kinh tế đủ lớn để bù đắp cho làn sóng bảo hộ này, có thể họ sẽ tránh được suy thoái. Nhưng suy thoái và tăng trưởng trì trệ dù là hai chuyện khác nhau – chuyện nào cũng tệ cả”, nhà nghiên cứu Zongyuan Zoe Liu nhận định.
Dù vậy, bà Liu lạc quan rằng, kịch bản “ly hôn kinh tế toàn phần” giữa hai siêu cường là khó xảy ra, bởi cả hai bên vẫn còn để ngỏ cánh cửa đàm phán. Tổng thống Donald Trump từng phát tín hiệu tôn trọng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, còn phía Trung Quốc công khai thừa nhận - không ai thắng trong chiến tranh thương mại.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-chien-my-trung-cuoc-choi-thua-thua-312333.html