Fed có 'cớ' để nhẹ tay với lãi suất, thị trường tiền tệ trong nước sẽ diễn biến ra sao

Dữ liệu kinh tế ngày càng củng cố dự báo Fed có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất điều hành vào giữa năm 2023. Theo đó, chuyên gia kỳ vọng áp lực lên lãi suất và tỷ giá của Việt Nam giảm trong nửa cuối năm nay.

Fed có thể sẽ không tăng lãi suất trong tháng 6

Báo cáo ngày 12/4 của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,1% so với tháng liền trước. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng của CPI tháng 3 đã hạ xuống 5%, thấp hơn hẳn 1 điểm % so với tháng 2.

Tuy nhiên, lạm phát lõi trong tháng 3 đã tăng hơn 0,4% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn một chút so với mức của tháng 2. Dù lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng ít nhất đã có dấu hiệu cho thấy lạm phát tiếp tục tăng chậm lại. Mức tăng hàng năm của CPI trong tháng 3 là thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Ở diễn biến khác, Fed cũng vừa công bố biên bản cuộc họp tháng 3. Các nhà kinh tế tại Fed cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng có thể sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái trong năm nay.

Cụ thể, các thành viên FOMC dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng chỉ 0,4% cho cả năm 2023. Theo kết quả dự báo của Fed Atlanta, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này tăng 2,2% trong quý 1/2023. Điều đó đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần trong các quý tới.

Dự báo suy thoái làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ sớm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ tiếp tục khẳng định nhu cầu thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa nhằm sớm đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu.

Trong bối cảnh đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết có khả năng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất vào tháng 5, sau đó ngừng vào tháng 6.

Dự đoán mới nhất của Goldman Sachs hiện tương đồng với kỳ vọng của các nhà đầu tư khác. Theo đó, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 5, không tăng vào tháng 6 và có khả năng lớn hạ lãi suất vào tháng 7.

"Chúng tôi đoán Fed sẽ không tăng lãi suất vào tháng 6 một phần vì lượng dữ liệu hạn chế có sẵn cho đến nay dường như cho thấy tín dụng đã thực sự bị thắt chặt sau cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng và vì một phần vì các quan chức Fed đã tỏ ra do dự về việc nâng lãi suất trong tháng 5", Goldman Sachs lý giải.

Việt Nam "đi tắt đón đầu" chính sách

Với câu chuyện của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 2 lần vào ngày 15/3 và ngày 3/4 vừa qua. Chính sách giảm lãi suất điều hành bất ngờ của cơ quan điều hành khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ.

Động thái có phần ngược chiều xu hướng thắt chặt tiền tệ vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là Mỹ được ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB lý giải trong họp báo về Dự báo Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam mới đây. Vào thời điểm 2022, tất cả các ngân hàng trung ương đều có chung mục đích là kiểm soát lạm phát nên hành động của ngân hàng này có thể tác động tới các ngân hàng khác. Ngoài ra, với các nước như Việt Nam thì còn mục đích nữa là hạn chế tác động của việc đồng USD tăng giá sẽ gây lạm phát, áp lực lên hoạt động nhập khẩu.

Tuy nhiên, sang năm 2023, đã bắt đầu xuất hiện sự khác biệt trong mục đích. Theo ông Nguyễn Minh Cường, Việt Nam cùng một lúc đang phải đối mặt với 3 sức ép. Sức ép thứ nhất là các yếu tố bên ngoài và những gió ngược. Sức ép thứ hai là về thị trường vốn khi hàng loạt kênh dẫn vốn như bất động sản, trái phiếu gặp khó khăn. Sức ép thứ ba là về mặt lao động khi hiện nay đang có sự sụt giảm rất mạnh với tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Trước những sức ép lớn như vậy, theo chuyên gia ADB, rõ ràng mục đích của Việt Nam là chuyển hướng nhanh sang hỗ trợ tăng trưởng. Do đó, việc NHNN hạ lãi suất là rất hợp lý, điều này sẽ giúp hỗ trợ cho thị trường vốn và giải tỏa bớt các sức ép kể trên.

Lãi suất điều hành có thể giảm thêm

Một trong những nội dung quan trọng được Bộ phận Nghiên cứu kinh tế và các Thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB (UOB Global Economics & Markets Research) đưa ra trong báo cáo mới nhất cho rằng, NHNN Việt Nam có thể tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất một cách thận trọng, đồng thời cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trên toàn cầu.

Cụ thể, theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2023 chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ từ mức 5,92% trong quý 4/2022 là một trong những động lực khiến NHNN cắt giảm thêm lãi suất điều hành.

Bên cạnh đó, đã có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định quay trở lại thị trường tiền tệ sau các biến động gần đây trong hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu (sự sụp đổ của SVB và việc UBS mua lại Credit Suisse). Fed cũng sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Với các điều kiện này, các chuyên gia phân tích tại UOB cho rằng có nhiều khả năng NHNN sẽ thiên về chính sách nới lỏng hơn trong giai đoạn sắp tới, với việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 1 điểm % trong quý 2/2023 (bao gồm cả đợt giảm 0,5 điểm % từ ngày 3/4).

Tuy nhiên, UOB cho biết dù nhà điều hành thiên về chính sách nới lỏng, điều này không có nghĩa với việc bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là ở thời điểm này.

Kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm khoảng 0,5-1 điểm phần trăm

Trong báo cáo vĩ mô quý 1/2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá NHNN đã có những động thái đảo chiều chính sách nhanh và rõ hơn, thể hiện rõ nhất qua hai lần điều chỉnh lãi suất điều hành hồi tháng 3.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng các động thái tích cực từ NHNN sẽ có tác động đáng kể đến mặt bằng lãi suất chung. Thực tế, sau quyết định của NHNN, đầu tháng 4/2023, các NHTM đều đã giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3-0,8 điểm phần trăm. Nếu tính từ đầu năm, VDSC ước tính lãi suất huy động đã giảm khoảng 0,8-1,2 điểm phần trăm, tương đương mức tăng trong giai đoạn tháng 10-12/2022.

Về phía lãi suất cho vay, VDSC cũng kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới, dựa trên một số cơ sở tác động từ việc lãi suất huy động hạ nhiệt; thanh khoản hệ thống dồi dào trong khi nhu cầu tín dụng yếu…

“Mức giảm kỳ vọng đối với mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm phần trăm tùy lĩnh vực. Đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất trần 4,5%/năm không khác biệt nhiều nhưng đối với lĩnh vực bất động sản thì đang mở ra kênh dẫn vốn với chi phí rẻ hơn”, báo cáo của VDSC cho hay.

Theo nhóm phân tích VDSC, nhìn chung cho rằng NHNN nhiều khả năng sẽ kiên định với định hướng nới lỏng trong bối cảnh các áp lực về lạm phát, tỷ giá, thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu phần nào đã đi qua. Nếu rủi ro nhiều nhà đầu tư đang lo lắng là suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra thì việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành có lẽ nằm trong dự liệu của NHNN.

Kỳ vọng lãi suất tiền gửi giảm xuống 7% trong nửa cuối năm nay

Với lãi suất tiền gửi, tại báo cáo thị trường tài chính tiền tệ vừa công bố, Chứng khoán VNDirect chỉ ra rằng, trong bối cảnh NHNN có dấu hiệu chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng, nhóm nghiên cứu VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm khi Fed nhiều khả năng kết thúc chu kỳ tăng lãi suất cơ bản vào giữa năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất của Việt Nam về nửa cuối năm.

Theo đó, VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng (của cả khối ngân hàng tư nhân và ngân hàng quốc doanh) sẽ giảm thêm 0,5 điểm phần trăm xuống mức khoảng 7,0%/năm trong nửa cuối năm 2023.

Áp lực tỷ giá có thể giảm từ quý 2

Trong những ngày qua, chỉ số DXY (Dollar Index - đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền tệ phổ biến) đã giảm đáng kể trong bối cảnh Fed đưa ra thông điệp bớt "diều hâu" về chính sách tiền tệ. Tại thời điểm 15h ngày 13/4 (giờ Việt Nam), chỉ số này ở mức 100,99 điểm, giảm 2,5% so với đầu năm và giảm 3,5% so với mức đỉnh hồi tháng 3 - thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ.

Chứng khoán VNDirect nhận định kỳ vọng Fed sớm bắt đầu hạ lãi suất cùng với việc NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối thêm 4 tỷ USD kể từ đầu năm 2023 có thể làm giảm áp lực tỷ giá trong quý 2 tới đây.

Theo giả định này, nhóm chuyên gia VNDirect kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 23.450 - 23.700 đồng đổi 1 USD trong quý 2/2023. Tuy nhiên lưu ý rủi ro tăng giá đối với VND bao gồm áp lực lạm phát tại Mỹ tăng cao và kéo dài hơn dự kiến và kiều hối và vốn FDI sụt giảm mạnh hơn dự kiến trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Tương tự, Chứng khoán BSC cũng kỳ vọng áp lực tỷ giá hạ nhiệt trong những quý tiếp theo; sau khi chỉ số DXY giảm do tác động từ các vụ phá sản của các ngân hàng tầm trung tại Mỹ và thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm bớt mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Cùng đó, dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam ước đạt khoảng 92,43 tỷ USD, ở mức khá tích cực. BSC đánh giá tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2023 có thể dao động trong mức 23.900 - 24.400 đồng đổi 1 USD.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/fed-co-co-de-nhe-tay-voi-lai-suat-thi-truong-tien-te-trong-nuoc-se-dien-bien-ra-sao-post20360.html