Fed gặp nhiều trở ngại khi đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất
Lần đầu tiên kể từ cuộc đại suy thoái xảy ra một thập kỷ trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất nhằm bảo vệ nền kinh tế trước những rủi ro xuất phát từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Fed đang gặp nhiều trở ngại trước khi đưa ra quyết định hạ lãi suất.
Theo giới quan sát, Fed đang lúng túng trong việc vừa cố gắng truyền đạt niềm tin đối với nền kinh tế, vừa bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ đà tăng trưởng.
Hồi giữa tháng này, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams, người có ảnh hưởng tương đối lớn trong Ủy ban chính sách tiền tệ của Fed, cho rằng việc nhanh chóng giảm lãi suất có thể coi như một liều “tiêm phòng” cho nền kinh tế nhằm chống lại "căn bệnh" sau này.
Nhưng ngay trong ngày phát biểu trên được đưa ra, văn phòng của ông Williams đã lại giải thích rằng bình luận của ông chỉ đề cập đến lịch sử của các chính sách tiền tệ và không phải là một dự đoán về quyết định mà Fed sẽ công bố vào ngày 31/7.
Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn tài chính Grant Thornton, nói rằng những lúng túng và sai lầm trong việc truyền đạt thông tin của Fed khiến họ trông có vẻ như đang “giương cờ trắng” trước những lời chỉ trích của Tổng thống Donald Trump. Dù quyết định của họ có thể là đúng đắn, nhưng sự lúng túng trong truyền đạt thông tin có thể làm giảm uy tín của Fed.
Trong khi đó, mặc dù thị trường kỳ vọng rất nhiều về việc Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tuần tới, giới chuyên gia vẫn chưa thống nhất về việc liệu ngân hàng này có đang đi đúng hướng hay không.
Lý do cho sự nghi ngại này hoàn toàn có cơ sở khi có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới không cần những biện pháp kích thích từ Fed. Các chỉ số thể hiện chi tiêu tiêu dùng khá mạnh và tăng trưởng việc làm ổn định, chưa kể các chỉ số chứng khoán tại Phố Wall đều đạt đỉnh trong thời gian gần đây.
Nhưng một số người khác cho rằng Fed sẽ “sửa lỗi” mà họ đã gây ra vào tháng 12/2018. Khi đó, Fed đã tăng lãi suất mặc dù có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu suy yếu giữa lúc các xung đột thương mại trên toàn cầu chưa được giải quyết. Hiện giờ, Fed lại diễn dẫn những lý do này để việc cắt giảm lãi suất.
Nền kinh tế Mỹ quả thật cũng đang gặp phải nhiều vấn đề. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã chậm lại trong năm nay. Lĩnh vực chế tạo dường như đang trong thời kỳ suy thoái. Thị trường nhà đất không mấy tươi sáng. Hoạt động đầu tư kinh doanh gần như không tăng giữa lúc các cuộc chiến thương mại đang tiếp diễn, trong khi đà tăng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và châu Âu đe dọa đến hoạt động xuất khẩu của Mỹ.