Fed làm giới đầu tư an lòng
Cam kết của Fed về việc hỗ trợ nền kinh tế sau cuộc họp kéo dài 2 ngày làm an lòng giới đầu tư, qua đó giúp phố Wall tăng trở lại trong phiên thứ Tư (29/7).
Tuyên bố của Ủy ban thị trường mở dự trữ liên bang (FOMC) được công bố sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc chiều thứ Tư theo giờ địa phương cho thấy, không có thay đổi về lãi suất hoặc chính sách tiền tệ của Mỹ, như mong đợi. Fed cho biết, chính sách tiền tệ sẽ phụ thuộc vào cách thức đại dịch diễn ra trong những tháng tới.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Jerome Powell cho biết, sự gia tăng các ca lây nhiễm Covid đang ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và ngân hàng trung ương sẽ làm những gì có thể để hạn chế thiệt hại và thúc đẩy tăng trưởng.
Tin tưởng vào việc Fed sẽ có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, giới đầu tư mạnh dạn xuống tiền giúp các chỉ số chính của phố Wall hồi phục trở lại trong ngày thứ Tư sau phiên điều chỉnh trước đó.
Tin tưởng vào Fed, nên giới đầu tư bỏ qua thông tin về việc Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đang chia rẽ về gói kích thích kinh tế mới trị giá 1.000 tỷ USD.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Dow Jones tăng 160,29 điểm (+0,61%), lên 26.539,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 40 điểm (+1,24%), lên 3.258,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 140,85 điểm (+1,35%), lên 10.542,94 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu giằng co và đóng cửa gần như không đổi khi giới đầu tư trên thị trường này thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed. Tuy nhiên, thị trường có sự phân hóa theo kết quả báo cáo thu nhập của các doanh nghiệp vừa công bố.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 2,2 điểm (+0,04%), lên 6.131,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 13,02 điểm (-0,10%), xuống 12.822,26 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 29,8 điểm (+0,60%), lên 4.958,74 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản giảm điểm do đồng yên tăng mạnh và kết quả kinh doanh yếu kém của một số doanh nghiệp vừa công bố, thì các thị trường chính còn lại đều tăng điểm, thậm chí chứng khoán Hàn Quốc còn lên mức cao nhất kể từ tháng 1 nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Samsung. Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực, cùng sự khởi sức của sàn STAR - được ví như sàn Nasdaq của Trung Quốc. Chứng khoán Hồng K ông tăng nhờ dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục, bất chấp số ca nhiễm Covid mới tại thành phố này gia tăng trở lại.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 260,27 điểm (-1,15%), xuống 22.397,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 66,59 điểm (+2,06%), lên 3.294,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 110,38 điểm (+0,45%), lên 24.883,14 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,17 điểm (+0,27%), lên 2.263,16 điểm.
Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng và thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, nhưng đà tăng đã chậm lại, không quá mạnh như phiên đầu tuần và các phiên tuần trước khi giá kim loại quý này gặp ngưỡng cản mạnh 1.980 USD/ounce trên đường chinh phục mốc 2.000 USD/ounce.
Ngoài ra, việc Fed giữ nguyên chính sách tiền tệ không như kỳ vọng là tiếp tục giảm lãi suất, đưa lãi suất về mức âm cũng cản bước tiến của giá vàng.
Kết thúc phiên 29/7, giá vàng giao ngay tăng 14,8 USD (+0,76%), lên 1.970,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 8,8 USD (+0,45%), lên 1.953,4 USD/ounce.
Tin tưởng vào các chính sách kích thích kinh tế của Fed trong tương lại, giá dầu thô cũng hồi phục trở lại, lấy lại hết vốn lẫn lãi đã mất trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 29/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,23 USD (+0,56%), lên 41,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,53 USD (+1,21%), lên 43,75 USD/thùng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/fed-lam-gioi-dau-tu-an-long-337292.html