Fed sẽ dừng tăng lãi suất sau vụ ngân hàng Silicon Valley phá sản?
Nhiều đồn đoán cho rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tuần tới sau sụp đổ của SVB.
Fed sẽ chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ?
Theo Reuters, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs nhận định Fed có thể sẽ đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ tại cuộc họp chính sách trong tháng 3 này sau vụ phá sản nhanh chóng của ngân hàng Silicon Valley (SVB).
Lý do đưa ra nhận định là thị trường tài chính đang có quá nhiều bất ổn.
Trước đó, Goldman Sachs dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%/năm trong cuộc họp chính sách từ ngày 20-21/3 tới.
Tuy nhiên, chuyên gia Jan Hatzius của Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo Fed tăng lãi suất 25 điểm trong mỗi cuộc họp vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm nay. Đồng thời, vị chuyên gia này cho rằng tình hình sẽ phụ thuộc vào diễn biến trên thị trường tài chính.
Cũng có dự báo tương tự, chuyên gia kinh tế Ed Hyman của công ty Evercore ISI nói với đài CNBC rằng việc Fed tạm dừng nâng lãi suất sẽ là quyết định hợp lý đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, phát biếu với hãng tin Reuters hôm 13/3, chuyên gia John Briggs, trưởng bộ phận kinh tế toàn cầu tại NatWest, cho biết: “Đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang nỗ lực giải quyết hậu quả từ vụ sụp đổ nghiêm trọng của ngân hàng SVB có thể không phải là giải pháp khôn ngoan của Fed”.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý thêm rằng quyết định sắp tới của ngân hàng Trung ương Mỹ còn phải phụ thuộc vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng sẽ được công bố trong ngày 14/3. Nhiều khả năng CPI tiếp tục tăng nóng sẽ buộc Fed phải tăng lãi suất giữa lúc hệ thống tài chính đang đối mặt nhiều sức ép.
Chứng khoán châu Á trái chiều
Thị trường cổ phiếu châu Á diễn biến ngược chiều trong phiên giao dịch ngày 13/3 khi chính phủ Mỹ cân nhắc bảo vệ tiền gửi sau vụ SVB phá sản.
Chỉ số Hang Seng trên sàn giao dịch Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,9%, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ. Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shenzhen Component và Shanghai Composite lần lượt cộng 0,44% và 0,84%.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất trong khu vực, với chỉ số Topix mất 1,51%, đóng cửa ở mức 2.000,99 điểm, do cổ phiếu của Softbank lao dốc 2,3% khi giới đầu tư lo ngại tác động từ vụ phá sản của SVB. Chỉ số Nikkei 225 cũng giảm 1,11%, đóng cửa ở mức 27.382,96 điểm.
Tại các thị trường khác, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia sụt 0,5% xuống còn 7.108,8 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc đảo chiều ở cuối phiên giao dịch ngày 13/3 khi tăng 0,67% lên mức 2.410,6 điểm, và chỉ số Kosdaq nhích nhẹ lên mức 788,89 điểm.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD giảm 0,7% so với đồng yen Nhật Bản – loại tiền tệ thường được nhà đầu tư lựa chọn làm kênh trú ẩn an toàn khi thị trường biến động. Trong khi đó, đồng euro ổn định so với với đồng bạc xanh được giao dịch ở mức 1 USD đổi 1,0687 euro.
Trong tuần trước, ngân hàng SVB sụp đổ sau khi Fed tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, tác động đến nhiều ngân hàng khác và thị trường tài chính.
Theo nhà phân tích Tapas Strickland của National Australia Bank, khi các thị trường mở cửa phiên này, mọi chú ý đổ dồn lên các nhà chức trách Mỹ, tự hỏi liệu họ có thực hiện đủ các giải pháp để lấy lại lòng tin vào ngân hàng và tránh tình trạng rút tiền gửi ồ ạt hay không.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 12/3 cho biết sẽ không cứu trợ SVB, nhưng đang đẩy mạnh các chương trình nhằm bảo vệ người gửi tiền và ngăn chặn tác động đến hệ thống tài chính. Bà nói, các nhà chức trách nước này sẽ thực hiện nhiều giải pháp cần thiết để tránh gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt.
Nhà phân tích Strickland cũng nhấn mạnh đến việc nhà đầu tư lo ngại tác động của việc Fed tăng lãi suất, do lạm phát vẫn quá cao.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/fed-se-dung-tang-lai-suat-sau-vu-silicon-valley-pha-san.html