FED tăng lãi suất lần thứ 10, tác động ra sao tới Việt Nam?
Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã chính thức tăng lãi suất thêm một lần nữa, ghi nhận lần tăng lãi suất thứ 10 kể từ tháng 3/2022 đến nay. Tuy nhiên, diễn biến lần này cũng có những điểm khác khi giới tài chính đang kỳ vọng một sự chuyển đổi trạng thái đang dần diễn ra từ chính sách tiền tệ thắt chặt sang giai đoạn bớt thắt chặt hơn, thậm chí nới lỏng dần.
Lãi suất tăng bất chấp khủng hoảng ngân hàng
Mặc dù cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn đang diễn ra với sự kiện gần đây nhất là vụ phá sản của First Republic Bank (FRB), nhưng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn kiên định với quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm), đưa lãi suất điều hành của Mỹ lên mức kỷ lục 5 - 5,25%.
Trước đó, kể từ tháng 3 đến nay, một loạt các ngân hàng Mỹ đã phải công bố phá sản, đó là trường hợp Silicon Valley Bank (SVB), tiếp đó là Signature Bank (SB) và gần đây nhất là FRB. Trong đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến các ngân hàng mất thanh khoản là do tình trạng lãi suất tăng, khiến các ngân hàng không tự cân đối được các loại tài sản.
Mặc dù vậy, động thái tăng lãi suất trong 2 lần gần đây của FED chỉ ở mức 25 điểm cơ bản của FED cũng phần nào cho thấy thái độ có phần nhẹ tay hơn của FED, nếu như không có sự cố SVB xảy ra. Diễn biến này cũng có phần khác với các dự báo trước khi cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra, bởi vào giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2023, một số nhà kinh tế cũng đưa ra một số dự báo về khả năng tăng lãi suất của FED với cường độ mạnh hơn mức 0,25 điểm phần trăm do tình hình lạm phát ở Mỹ đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Đánh giá về quan điểm của FED về động thái vẫn duy trì việc tăng lãi suất, bất kể cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn đang diễn ra, TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, các ngân hàng bị phá sản giai đoạn vừa qua thực ra không phải là những ngân hàng có sức ảnh hưởng lớn ở Mỹ. Tổng tài sản của những ngân hàng này quy mô khá nhỏ so với tổng quy mô của toàn ngành ngân hàng Mỹ, nên các sự kiện này vẫn được coi là các diễn biến đơn lẻ chứ không mang tính hệ thống, vì thế nó chưa thể đủ để thay đổi chính sách tiền tệ của FED.
Dự báo xu hướng đảo chiều
Một trong những động thái đáng chú ý sau động thái tăng lãi suất của FED lần này là sự bật tăng mạnh của giá vàng. Đây là một diễn biến khác, ngược so với diễn biến thông thường, đó là vàng thường bị giảm giá khi lãi suất tăng.
Giá vàng thế giới đã tăng mạnh trước và tại thời điểm FED chính thức công bố việc tăng lãi suất. Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 4/5 theo giờ Việt Nam tăng mạnh với vàng giao ngay đạt mức 2.051,6 USD/ounce, vàng tương lai tháng 6 giao dịch lần cuối ở mức 2.072,1 USD/ounce. Giá vàng sau đó tiếp tục lập đỉnh vào phiên giao dịch tối 4/5 theo giờ Việt Nam, sau đó quay đầu giảm nhẹ nhưng vẫn neo ở mức cao.
Việc tăng giá của vàng khi FED tăng lãi suất lần này tuy khác quy luật thông thường (vàng thường diễn biến ngược với lãi suất), nhưng lần này cũng có lý do nhất định bởi lần tăng lãi suất này của FED cũng có những tính chất khác với những lần tăng trước đây.
Thị trường tiền tệ trong nước đang khá độc lập với động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ
Thị trường trong nước vừa qua có diễn biến độc lập trong chính sách tiền tệ với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Một trong những yếu tố cho thấy sự độc lập đó là việc Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện quyết định hạ lãi suất điều hành, ngược lại các động thái thực hiện các đợt tăng lãi suất của FED.
Theo ông Châu Đình Linh, hiện nay, tác động của việc FED tăng lãi suất với thị trường tiền tệ trong nước có thể chỉ ảnh hưởng đến tỷ giá. Tuy nhiên, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có động thái tăng mua dự trữ ngoại tệ khá nhiều nên việc điều tiết tỷ giá thời gian này cũng sẽ khá chủ động.
Theo một số nhà phân tích, 2 lần tăng gần đây nhất của FED đưa lãi suất đi đến tiệm cận mức lãi suất cao cuối năm 2006 - 2007 và giai đoạn sau đó (năm 2008) là thời kỳ lãi suất chuyển sang xu hướng giảm trước diễn biến nền kinh tế Mỹ đối diện cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, thông điệp của FED sau lần tăng lãi suất lần này cũng không còn khẳng định về lộ trình sẽ tiếp tục tăng lãi suất mà sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và điều kiện tài chính.
Đánh giá về bối cảnh này, ông Châu Đình Linh cho biết, điều này ít nhiều đưa ra một vài tín hiệu báo hiệu chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Mỹ sắp kết thúc, tiếp theo giai đoạn giảm lãi suất. Mặc dù vậy, ông Linh cho biết, xu hướng giảm cũng chưa thể xuất hiện ngay mà còn phục thuộc các yếu tố môi trường bên ngoài, tăng trưởng, lạm phát…
Trong khi đó, với nền kinh tế Việt Nam, những lần tăng lãi suất của FED gần đây cho thấy các hành động của FED càng ngày càng ít ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ trong nước. Một trong những lý do là động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang có xu hướng nới lỏng để ưu tiên mục tiêu kích thích tăng trưởng, ngược với hành động thời gian qua của FED là thắt chặt tiền tệ để ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Ông Linh cho biết, mục tiêu nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước thậm chí có thể sẽ còn cần tăng liều lượng hơn nữa nếu như các số liệu tăng trưởng trong quý II vẫn tiếp tục chưa chuyển động rõ rệt./.