FED tăng lãi suất, nhà đầu tư Việt cần thận trọng
Thị trường dự báo hơn 90% khả năng FED tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3. Nhà đầu tư Việt cần thận trọng trước thềm FED tăng lãi suất.
Khi bài học từ lịch sử cho biết thị trường không dễ dàng chấp nhận một lộ trình siết chính sách tiền tệ mạnh mẽ từ FED. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể không còn con đường nào khác.
Khi lạm phát "bùng cháy", FED loay hoay
Trong thời gian qua, cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đã nhìn thấy tảng băng lạm phát ở phía trước từ lâu, nhưng vẫn quyết định “tăng tốc” con tàu chính sách tiền tệ với sự nới lỏng chưa từng có. Đây là nhận định của Giáo sư danh dự kinh tế Burton A. Abrams từ Đại học Delaware về động thái của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới.
Ông Abrams cho biết, việc FED duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ và kéo dài bất chấp rủi ro tăng nóng là một quyết định “điên rồ”, và FED đáng lẽ phải “giảm tốc lực” từ lâu. “Có hợp lý không khi điều khiển một con tàu chạy hết tốc lực băng qua một vùng nước đầy băng? Con tàu Titanic đã trả lời”, ông nói thêm.
Ngay cả khi FED thay đổi lập trường và ngưng dùng từ nhất thời để nói về lạm phát, cơ quan này vẫn tiếp tục loay hoay trong cuộc chiến chống lạm phát kỷ lục.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ vào tháng 1 qua, nhưng FED vẫn chưa hoàn tất lộ trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng. Gói mua tài sản dù đã được thu hẹp với tốc độ mạnh mẽ nhưng dự kiến trong tháng 3 mới kết thúc hoàn toàn. Các quan chức FED đã phát tín hiệu rằng cho tới thời điểm đó, ngân hàng trung ương mới bắt đầu nâng lãi suất.
Vì sao FED lại 'loay hoay' như vậy? Vấn đề xuất phát từ nhiệm vụ kép của cơ quan này: Điều tiết chính sách tiền tệ hợp lý, một mặt kiểm soát sự ổn định giá cả, một mặt thúc đẩy thị trường lao động.
Ở thời điểm cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, FED đương nhiên ưu tiên mục tiêu thúc đẩy thị trường lao động để hỗ trợ tăng trưởng. Cho đến khi những gói kích thích khổng lồ bơm tiền tràn ngập nền kinh tế và lạm phát lên mức kỷ lục, FED mới vội vàng “siết vòi bơm” và tính toán đến lộ trình hút tiền trở lại.
Giáo sư Burton A. Abrams ví von về thực trạng này: “Những gì diễn ra ở đây không khác gì bài học cũ trong Kinh thánh: 'Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này và yêu chủ kia, hoặc sẽ trọng chủ này và khinh chủ kia'. FED đã tập trung vào ưu tiên thị trường lao động mà bỏ qua ưu tiên kiểm soát lạm phát. Cách điều hành chính sách tiền tệ thất thường của FED có thể được ví như việc một người say rượu lái xe rồi cố gắng sửa những lỗi mà họ vi phạm sau khi tỉnh táo lại”.
Siết chính sách tiền tệ - tự đặt mình vào thế khó
Dù các nhà phê bình có nặng lời hay không, một điều dễ thấy là chính bản thân FED đã tự đặt mình vào thế khó bởi sự chậm trễ trong hành động kiểm soát lạm phát. Giờ đây, khi lạm phát đã đi quá xa, FED có nguy cơ phải đưa ra một lộ trình siết chính sách tiền tệ đầy tính diều hâu.
FED đã phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 3. Câu hỏi được đặt ra: Mức tăng là bao nhiêu, lộ trình tăng như thế nào?
Trước thông tin CPI tháng 1/2022 đã lên mức 7,5%, thị trường dự báo hơn 90% khả năng FED tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3 tới, theo công cụ đo lường FEDWatch của CME Group.
Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group cũng nhận định trên CNN rằng, sẽ thật kỳ lạ khi FED nghe tin CPI tăng 7,5% và phản ứng lại bằng một đợt tăng lãi suất nhỏ. “Nếu ngân hàng trung ương muốn lấy lại uy tín, họ nên hướng tới việc tăng lãi suất 0,5% thay vì 0,25% trong cuộc họp tháng 3 này”.
Năm 2000 là lần cuối cùng người ta chứng kiến FED nâng lãi suất 0,5% mỗi lần như vậy.
Ngoài dự báo bước tăng lãi suất mạnh mẽ chưa từng có trong hơn 2 thập kỷ, thị trường còn cho rằng FED có khả năng tăng lãi suất 7 lần, thậm chí 9 lần trong năm nay.
Bài học từ lịch sử cho biết thị trường không dễ dàng chấp nhận một lộ trình siết chính sách tiền tệ mạnh mẽ như vậy. Tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng lên đi kèm rủi ro bong bóng chứng khoán và bất động sản nổ tung sau thời gian phình to trong 2 năm qua.
Ông Justin Wolfers - giáo sư chính sách công và kinh tế tại Đại học Michigan.
Những hệ lụy giảm tốc kinh tế là không thể tránh khỏi. Robert Reich, cựu Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bill Clinton cho biết: “Mục đích của việc tăng lãi suất là để làm xẹp bớt bong bóng ra khỏi những ‘cánh buồm’ của nền kinh tế. Theo đúng định nghĩa, nếu việc tăng lãi suất giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả, thị trường lao động sẽ chịu tổn thất. Ngay cả những đợt tăng lãi suất nhỏ cũng có thể nâng cao tỷ lệ thất nghiệp hoặc giảm lương nếu chúng mang lại hiệu quả mong muốn”.
Tương tự, ông Justin Wolfers - giáo sư chính sách công và kinh tế tại Đại học Michigan - nhận định: "Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ để giải quyết lạm phát là khiến cho nền kinh tế giảm tốc. Ta phải chấp nhận đó là một con đường đau khổ”.
Tăng lãi suất ảnh hưởng đến các thị trường như thế nào?
Một phân khúc quan trọng của nền kinh tế dự kiến sẽ chịu tác động lớn khi FED tăng lãi suất mạnh mẽ như vậy là thị trường nhà ở. Đây là phân khúc được hưởng lợi lớn từ chính sách tiền tệ nới lỏng mà FED thực hiện trong suốt 2 năm qua. Bình quân giá nhà tại Mỹ tăng kỷ lục 16,9% trong năm 2021. Giá thuê nhà và bất động sản cũng tăng mạnh theo đó.
Thị trường bất động sản chủ yếu chịu tác động từ lãi suất vay thế chấp. Lãi suất cơ bản mà FED chuẩn bị nâng trong thời gian tới không tương ứng trực tiếp với hầu hết mặt bằng lãi suất vay thế chấp nhưng nó lại tác động trực tiếp đến thị trường trái phiếu. Dự báo về việc FED tăng lãi suất cho vay trong tương lai thực tế đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm tăng vọt, đưa lãi suất vay thế chấp tăng theo.
Lãi suất vay thế chấp cao chắc chắn giúp hạ nhiệt đà tăng giá nhà ở, thậm chí làm giảm giá. Đó sẽ là một tin tốt cho những người mua hoặc thuê nhà, nhưng lại là tin xấu cho chủ nhà hoặc chủ đầu tư. Điều này có nguy cơ làm giảm chi tiêu tiêu dùng, bởi nhà ở và bất động sản là bộ phận lớn trong của cải của nền kinh tế. Bất cứ khi nào giá nhà tăng chậm lại hoặc giảm đi, tiêu dùng sẽ bị cắt giảm.
Một số rủi ro khác từ việc hạ nhiệt giá nhà đất là nguy cơ nguồn cung giảm đi khi hoạt động xây dựng chững lại, khiến cung không đáp ứng được cầu. Ở mức cực đoan nhất, nó có nguy cơ gây ra một vụ nổ bong bóng nhà đất tương tự như những gì đã gây ra cuộc Đại suy thoái, mặc dù nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản lần này được đánh giá là không lớn.
Tương tự thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do kỳ vọng thị trường lao động suy yếu và đà tăng trưởng kinh tế giảm tốc bởi hành động của FED.
Đã có những dấu hiệu ban đầu về đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán, khi phố Wall trải qua tháng 1 đỏ lửa và tiếp tục biến động mạnh trong tháng 2. Tại thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tuần qua 18/2, chỉ số S&P 500 mất 8,76% từ đầu năm đến nay và mất 9,33% so với đỉnh kỷ lục hồi tháng 1. Cùng trong chuỗi bán tháo, Dow Jones mất 6,85% và Nasdaq Composite mất 14,43% so với đỉnh kỷ lục sau những tuần giao dịch đầu năm ngập tràn sắc đỏ.
Nhà đầu tư kỳ cựu của phố Wall Jeremy Grantham thậm chí đã gây sốc khi đưa ra một cảnh báo thảm khốc rằng, sự xì hơi của bong bóng chứng khoán Mỹ do hành động siết chính sách tiền tệ của FED có nguy cơ S&P 500 về lại mốc 2.500 điểm. Nasdaq Composite dự báo còn chịu sức ép lớn hơn do các cổ phiếu công nghệ bị điều chỉnh mạnh mẽ khi lãi suất tăng.
Theo cảnh báo của ông Jeremy Grantham, Mỹ đang tiến gần đến sự kết thúc của một giai đoạn siêu bong bóng trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến bất động sản, thậm chí là hàng hóa.
Chỉ số Cboe Volatility VIX, một thước đo nỗi sợ hãi trên phố Wall hiện ở mức 27,75 điểm dù khởi đầu năm ở mức chỉ 16,6 điểm. Ở thời điểm ngày 26/1, chỉ số này đạt tới 31,96 điểm, ngụ ý quan ngại tăng vọt của nhà đầu tư về sự bất ổn của thị trường.
Nhà đầu tư Việt nên thận trọng
Nguy cơ FED tăng mạnh lãi suất chắc chắn sẽ tác động đến tỷ giá VND và làm hiện hữu rủi ro vốn ngoại rút ròng khi đồng USD tăng mạnh do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ.
Nhóm phân tích của BSC cảnh báo: “Nhà đầu tư nên thận trọng vào thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3, thời điểm ngay trước khi FED ra quyết định dừng mua trái phiếu và có thể thực hiện lần tăng lãi suất đầu tiên”.
Một kịch bản do Chứng khoán KB Securities (KBSec) xây dựng trong đó giả thiết FED buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất lên 1,5-1,75% vào cuối năm 2022 (tương đương 6 lần tăng lãi suất với mức tăng 0,25% mỗi lần). Trong trường hợp này, định giá cổ phiếu có thể trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu tăng trưởng ngành công nghệ, chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Nhóm phân tích KBSec cho hay: “Trong kịch bản này, đối với Việt Nam, rủi ro lạm phát, tỷ giá và vốn ngoại rút ròng trở nên hiện hữu trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh khiến Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có những điều chỉnh chính sách phù hợp, bao gồm tăng lãi suất, kiểm soát lạm phát, cung tiền và dòng vốn ra/vào, qua đó tác động tiêu cực đến kênh đầu tư chứng khoán và thị trường bất động sản”.
Trong báo cáo chiến lược tháng 2 cũng tương tự, Chứng khoán BSC cũng dự báo nguy cơ FED có nhiều hơn 3 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Trong kịch bản này, thị trường chứng khoán sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn, đà bán tháo tác động đến thị trường toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng.