Fed tăng lãi suất sẽ là yếu tố tác động lớn nhất tới tỷ giá trong nước
Chuyên gia cho rằng yếu tố tỷ giá của Việt Nam không phụ thuộc quá lớn vào lạm phát mà phụ thuộc chủ yếu vào việc Fed tăng lãi suất trong kỳ họp ngày 16/3.
Tại Diễn đàn trực tuyến "Kiểm soát lạm phát- Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ông Nguyễn Bá Khang đã đưa ra những đánh giá về vấn đề tỷ giá.
Ông Nguyễn Bá Khang. (Nguồn: Báo Hải Quan).
Theo ông Khang, yếu tố tỷ giá của Việt Nam hiện nay không phụ thuộc quá lớn vào lạm phát mà phụ thuộc chủ yếu vào việc Fed có tăng lãi suất trong kỳ họp ngày 16/3 này hay không.
Hiện nay, lạm phát tại Việt Nam hiện nay còn thấp hơn lạm phát tại Mỹ. Do đó, yếu tố lạm phát tác động lên tỷ giá hiện giờ đã khác trước hoàn toàn.
"Chẳng hạn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ là 7,5% trong khi CPI tháng 1 của Việt Nam chỉ có 1,94%, chênh nhau tới hơn 5 điểm %. Đây là một sự chênh lệch lớn nên nhận định lạm phát gây áp lực đến tỷ giá tại thời điểm này là không đúng", ông Khang cho biết.
Bên cạnh đó, việc ổn định tỷ giá đối với bối cảnh Việt Nam hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại khi tỷ giá đã được giữ ổn định trong suốt giai đoạn vừa qua.
Theo đó, phương thức điều hành đã giúp cho cung cầu ngoại tệ tăng lên, trong khi dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh. Điều này tạo sự thuận lợi lớn trong chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá trong năm 2022.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết tỷ giá hoàn toàn dựa trên cơ sở cung cầu ngoại tệ, còn lạm phát thì không tác động nhiều.
Đồng thời, NHNN những năm vừa qua đã có sự điều hành tốt trong việc cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và điều hành tỷ giá. Ông cũng khẳng định tỷ giá ở Việt Nam hiện nay không phụ thuộc vào lạm phát hay giá vàng bởi 7-8 năm trước chúng ta đã xử lý được vấn đề vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế rồi.