Fed tăng lãi suất tác động ra sao đến tỷ giá tại Việt Nam?
Mặc dù đánh giá lần tăng lãi suất này của Fed không đáng lo ngại, song giới chuyên gia cho rằng, phải cẩn trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25% lên phạm vi 0,25-0,5%.
Đây là lần nâng lãi suất đầu tiên của Fed tính từ tháng 12/2018. Cơ quan này đã duy trì lãi suất cơ bản đồng USD ở sát ngưỡng 0% nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Fed còn phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất tại 6 cuộc họp còn lại trong năm nay nên có thể lãi suất quỹ liên bang sẽ chạm mức 1,9% vào cuối năm.
Như vậy, Fed chính thức khởi động chiến dịch nhằm kiềm chế lạm phát hiện đang tăng mạnh nhất trong 4 thập kỷ dù rằng rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế hiện không hề nhỏ.
Việt Nam ảnh hưởng thế nào?
Đối với Việt Nam, các chuyên gia đánh giá, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có tác động đến Việt Nam nhưng không nhiều vì cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư đã dự báo được trước vụ việc này.
Dù vậy, chuyên gia tài chính-tiến sỹ Cấn Văn Lực nhận định việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có một số tác động nhất định. Thứ nhất, việc này sẽ khiến cho chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng đồng USD bị tăng lên. Thứ 2 sẽ tác động một phần đối với tỷ giá vì USD đã đang và sẽ còn tăng giá và tỷ giá sẽ tăng nhẹ. Thứ 3, có thể bắt đầu thêm sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư tức là khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn sẽ quay trở về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn và một quần quay trở lại châu Âu vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp.
Tuy nhiên, ông Lực đánh giá khả năng dịch chuyển vốn không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn.
“Fed tăng lãi xuất sẽ tác động một phần nhỏ đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam nhưng không đáng kể,” ông Lực đánh giá.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước.
Cần duy trì lãi suất hiện tại
Tiến sỹ Châu Đình Linh - giảng viên Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết kịch bản tốt nhất hiện nay đối với Việt Nam là duy trì lãi suất hiện tại, không để gia tăng theo lãi suất của Fed; thực hiện nhanh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Phân tích kỹ hơn, ông Linh cho biết với quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao đạt mức gần 110 tỷ USD, gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước năm 2010, gấp gần 4 lần so với năm 2015 và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế thì đây sẽ là “tấm nệm an toàn” khá vững chắc.
Dự trữ ngoại hối cao giúp củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối ở mức cao và cán cân thanh toán thặng dư là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá.
Chuyên gia này cho rằng quản lý dự trữ ngoại hối là nhiệm vụ rất quan trọng của Ngân hàng Trung ương vì dự trữ ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán của quốc gia trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tiền tệ và được dùng để can thiệp thị trường ngoại tệ trong nước theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia.
Cũng theo ông Linh, nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4%/năm và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2022. Ngoài ra, giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng mạnh cũng sẽ hỗ trợ tỷ giá. Cùng với đó, việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước những năm gần đây rất linh hoạt, nhịp nhàng, đóng góp lớn cho giữ ổn định tỷ giá.
Chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh, tỷ giá năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn sẽ ở trạng thái tương đối ổn định. Dự kiến, tỷ giá năm nay chỉ tăng 0,5%-1% so với năm ngoái do quan hệ cung-cầu ngoại tệ tương đối tốt. Điều quan trọng nữa giúp tỷ giá ổn định là cách thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày càng sát hơn với thị trường.
Mặc dù đánh giá lần tăng lãi suất này của Fed không đáng lo ngại, song giới chuyên gia cho rằng phải cẩn trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm. Nếu Fed tăng lãi suất nhiều lần với cường độ mạnh, thì chắc chắn, tỷ giá trong nước sẽ khó tránh khỏi tác động tâm lý./.
Ngay sau khi Fed tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm áp dụng hôm nay (17/3) ở mức 23.167 đồng/USD, giảm 21 đồng so với ngày hôm qua. Đây cũng là phiên đi xuống đầu tiên sau khi tỷ giá đã tăng tổng cộng 24 đồng/USD kể từ đầu tuần.
Với biên độ +/-3%, Ngân hàng Vietcombank và BIDV cùng niêm yết giá mua và bán từ 22.740-22.820 đồng/USD, giữ ổn định.